Đìu hiu khu tái định cư
Từ năm 2003-2009, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk thực hiện cấp đất sản xuất, đất ở cho người đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn huyện thiếu đất ở, đất sản xuất. Từ đó, hình thành nên khu tái định cư 5 buôn ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk gồm: Ea Nông A, Ea Nông B, Cư Kruê, Cư Knia và Ea Kal.
Sau nhiều năm sinh sống, buôn Ea Nông A được coi là buôn ổn định dân số và phát triển nhất khu tái định cư. Thế nhưng, đến nay cả buôn vẫn còn hơn 72% hộ nghèo cao gấp nhiều lần tỷ lệ nghèo bình quân toàn xã. Chị H’Sa Niê (trú tại buôn Ea Nông A) chia sẻ, chị theo cha mẹ đến đây ở từ năm 2003. Thời điểm này, gia đình chị có 8 anh chị em, thuộc diện nghèo của xã, thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất. Sau khi về khu tái định cư, cả gia đình chị 10 người chỉ được mấy sào ruộng, nguồn nước sản xuất phụ thuộc vào tự nhiên, năm nào đủ nước thì đủ lúa ăn, năm nào hạn, thiếu nước thì đói.
Theo ông Y Trưng Niê, Trưởng ban công tác mặt trận buôn Ea Nông A, năm 2003 có 56 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk được nhà nước đưa đến đây sinh sống. Tại đây, mỗi hộ được chia từ 2-3 sào ruộng và 2-3 sào rẫy, tùy theo khẩu. Quá trình sinh sống, những hộ tách mới không có nơi ở và đất sản xuất nên nhà nào bỏ trống thì họ xin ở nhờ. Hiện nay, toàn buôn có 72 hộ, trong đó có 52 hộ nghèo. Cuộc sống thiếu thốn nhiều mặt, nhiều hộ gia đình trẻ phải đóng cửa nhà, đi các thành phố lớn làm thuê, mỗi năm về vài lần.
Tương tự, năm 2006, 90 hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất của 2 xã Ea Kly và Krông Búk, huyện Krông Pắk được bố trí về buôn Cư Kniêl, xã Vụ Bổn để ổn định cuộc sống theo chương trình 134. Theo đó, ngoài việc được cấp căn nhà 28m2, mỗi hộ đến khu tái định cư buôn Cư Kniêl được 1ha đất rẫy. Tuy nhiên, đất xấu, bạc màu chỉ trồng được cây mì (sắn) nhưng mỗi năm chỉ thu được từ 15-20 triệu đồng/ha. Đến nay, cả buôn chỉ còn 67 hộ, với 330 nhân khẩu. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 66%.
Đáng nói, có những buôn, người dân đã đi khỏi địa phương gần 2 phần, chỉ còn lại những căn nhà cửa đóng, then cài, nhiều hạng mục xuống cấp. Chẳng hạn, buôn Ea Kal có đến 66 nóc nhà tái định cư nhưng nay chỉ có 24 hộ, trong đó có 18 hộ nghèo.
Lãnh đạo chính quyền địa phương nói gì?
Ông Trần Văn Sáu, Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn cho biết, khu tái định cư được thành lập từ nhiều năm trước gồm 5 buôn tập trung người nghèo thiếu đất sản xuất ở khắp các địa phương trong huyện về đây. Theo tiêu chuẩn của dự án, mỗi hộ được bố trí 400m2 đất ở, một căn nhà cấp bốn rộng 28m2 và đất sản xuất gồm 3 sào lúa, 5 sào rẫy. Riêng buôn Cư Kniêl không có đất lúa thì được bố trí 1ha đất rẫy. Tuy nhiên, ở vùng tái định cư này khó khăn, hệ thống kênh mương và nguồn nước chưa chủ động, sản xuất chủ yếu dựa vào tự nhiên nên rất khó để canh tác nông nghiệp. Hơn nữa, đất đai cằn cỗi, cây trồng kém năng suất nên tỷ lệ hộ nghèo vẫn rất cao.
Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng Dân tộc huyện Krông Pắk cho biết, các buôn tái định cư được đầu tư qua nhiều giai đoạn, cơ sở chưa đồng bộ. Hiện nay, các chương trình, chính sách dân tộc đang tạm ngừng chờ triển khai chương trình mới. Phòng dân tộc đang thực hiện rà soát, đánh giá chung đời sống kinh tế xã hội của người đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu UBND huyện. Quan điểm của huyện ủy, UBND huyện là ưu tiên thực hiện chính sách dân tộc, quan tâm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vừa qua, huyện đã trình và được tỉnh đồng ý đưa xã Vụ Bổn vào vùng 3.
Còn theo ông Y DJoang Niê, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, đối với các buôn tái định cư ở xã Vụ Bổn, huyện sẽ tiến hành rà soát lại diện tích đất canh tác, năng suất cây trồng xem khó khăn ở đâu tháo gỡ ở đó.
Khánh Ngọc