Trong ngày thứ Năm, tại Washington, Thụy Điển đã chính thức gia nhập NATO, hai năm sau khi Nga tổ chức chiến dịch đặc biệt tại Ukraine và buộc quốc gia này phải cân nhắc lại các chính sách an ninh quốc gia và đi tới kết luận việc ủng hộ liên minh NATO là lựa chọn tốt nhất để quốc gia vùng Scandinavia này có thể đảm bảo sự an toàn của mình.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã bàn giao những hồ sơ cuối cùng cho chính phủ Mỹ trong ngày thứ Năm, và đây là bước cuối cùng trong tiến trình dài đảm bảo có được sự hậu thuẫn từ các nước thành viên cho yêu cầu gia nhập vào liên minh của quốc gia này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi nhận hồ sơ gia nhập của Thụy Điển từ ông Ulf Kristersson đã phát biểu: “Sự kiên nhẫn sẽ mang lại thành công”.
Ông Blinken cho biết “cục diện đã hoàn toàn thay đổi” sau khi Nga tổ chức chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, và trích kết quả thăm dò ý kiến cho thấy sự thay đổi khổng lồ trong quan điểm công chúng Thụy Điển về việc tham gia NATO.
Đối với NATO, việc Thụy Điển và Phần Lan – hai quốc gia có biên giới dài 1,340km giáp với Nga – gia nhập khối này là bước phát triển lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.
Thụy Điển sẽ nhận được lợi ích từ cam kết phòng thủ chung của liên minh này, khẳng định mọi hành động tấn công nhằm vào một nước thành viên sẽ bị coi là hành động tấn công toàn liên minh.
Trong một diễn văn tới toàn thể toàn quốc gia Thụy Điển từ Washington, ông Kristersson phát biểu: “Thụy Điển ngày hôm nay là một quốc gia an toàn hơn so với Thụy Điển của ngày hôm qua. Chúng ta có đồng minh. Chúng ta có sự ủng hộ. Chúng ta đã có được một chính sách bảo hiểm thông qua liên minh phòng thủ của phương Tây”.
Trong một phát biểu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho biết sự gia nhập của Thụy Điển đã khiến NATO “đoàn kết hơn, quyết tâm hơn và linh hoạt hơn bao giờ hết”, và sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan là sự củng cố liên minh với “hai đội quân hùng mạnh”.
Thụy Điển đã thêm nhiều tàu ngầm tiên tiến và một phi đội các máy bay chiến đấu Gripen được sản xuất trong nước với quy mô đáng kể vào lực lượng của NATO. Quốc gia này cũng là cầu nối quan trọng giữa Đại Tây Dương và biển Baltic.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một phát biểu đã cho biết: “Sự gia nhập của Thụy Điển đã khiến NATO mạnh mẽ hơn, khiến Thụy Điển an toàn hơn và toàn thể các nước trong liên minh có nền an ninh bền vững hơn”.
Nga đã cảnh báo sẽ đề ra "các biện pháp đối phó về chính trị và kỹ thuật quân sự” trước quyết định này của Thụy Điển.
Barbara Kunz, một nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu quốc phòng SIPRI, cho biết: “Việc tham gia NATO tương tự như mua bảo hiểm, ít nhất là chừng nào Mỹ còn sẵn sàng đảm nhiệm vai trò cung cấp bảo hiểm”.
Mặc dù Stockholm đã thân thiết với NATO trong hai thập kỷ qua, việc tham gia NATO lần này đã đánh dấu một bước chuyển mình cho chính quyền này, một chính quyền mà trong 200 năm qua đã tránh tham gia các liên minh quân sự và giữ vị thế trung gian trong thời chiến.
Sau khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, quốc gia này đã tạo dựng một hình ảnh bản thân trên trường quốc tế là quốc gia đi đầu về nhân quyền, và kể từ khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, những chính phủ kế nhiệm đã liên tục cắt giảm chi tiêu quân sự.
Cho tới năm 2021, bộ trưởng bộ quốc phòng nước này đã từ chối tham gia NATO, nhưng chỉ vài tháng sau, chính quyền đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền vào thời điểm đó đã cùng Phần Lan đề nghị tham gia.
Carl Fredrik Aspegren, 28 tuổi, sinh viên tại Stockholm cho biết: “Có lẽ (Thụy Điển) cần phải đề ra chính kiến và tôi mừng là chúng tôi đã có thể làm được điều này và có được sự bảo hộ từ NATO”.
Khi Phần Lan tham gia liên minh trong năm vừa rồi, Thụy Điển đã bị buộc phải chờ đợi trong khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, hai nước có quan hệ thân thiết với Nga, đã trì hoãn phê chuẩn yêu cầu gia nhập của Thụy Điển.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn yêu cầu của Thụy Điển trong tháng 1 vừa rồi.
Hungary đã trì hoãn phê chuẩn cho tới khi ông Kristersson viếng thăm thiện chí tại Budapest vào ngày 23 tháng 2, nơi hai nước đã ký kết thỏa thuận trao đổi máy bay chiến đấu.
Nguyễn Quang Minh