Trong văn hóa dân gian Trung Hoa, Trung Quốc là quê hương của các thần trong truyền thuyết, cũng là trạm đầu tiên mà các thần từ thiên thượng đến nhân gian chuyển sinh, do đó được gọi là Thần Châu (vùng đất của thần). Từ cổ đến nay, các con dân của thần phát hiện ra mảnh đất này vừa đúng nằm ở trung tâm của thế giới, do đó lại gọi nó là Trung Thổ hay Trung Nguyên (vùng đất trung tâm), hoặc Trung Quốc (quốc gia trung tâm). Cũng chính vì thế mà từ xưa đến nay, quốc gia thần bí này mới lưu truyền rộng rãi những truyền thuyết thần thoại như Bàn Cổ khai thiên địa, Nữ Oa tạo con người và Nữ Oa vá trời...
Trong đó Bàn Cổ được coi là vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ. Theo Tam Hoàng Thiên Kinh, năm xưa tại núi Côn Lôn có một tảng đá lớn đã thọ khí âm dương chiếu diệu rất lâu đời nên đã hình thành thai người. Sau 10 tháng 16 ngày, đúng giờ Dần, một tiếng nổ lớn vang khắp trời đất, tảng đá nứt ra một vị thần mang hình dáng con người tên Bàn Cổ.
Vừa sinh ra thì vị ấy tập đi, tập chạy, tập nhảy, hớp gió nuốt sương, ăn hoa quả, dần dần lớn lên, mình cao trăm thước, đầu như rồng, có lông đầy mình, sức mạnh vô cùng. Một ngày kia, Bàn Cổ chạy qua hướng Tây, bắt gặp một cái búa và một cái dùi ước nặng ngàn cân. Bàn Cổ, tay phải cầm búa, tay trái cầm dùi, ra sức mở mang cõi trần.
Thuở đó trời đất còn mờ mịt. Bàn Cổ ước cho phân biệt trời đất thì nhân vật mới hóa sinh được. Ngài ao ước vừa dứt tiếng thì sấm nổ vang, thiên thanh, địa minh, vạn vật sinh ra đều có đủ cả.
Ngài liền chỉ trời là cha, chỉ đất là mẹ, muôn dân là con. Ngài chính là tôn chủ sáng lập thế gian, nên cũng gọi ngài là Thái Thượng Ðạo Quân. Ngài tự xưng là thiên tử, tức là con trời, cai trị muôn dân. Ngài là vị vua đầu tiên của cõi thế gian nên gọi ngài là Hỗn Độn thị.
Bàn Cổ thọ được 18.000 tuổi rồi quy tiên. Tiếp theo thì có Thiên Hoàng, Ðịa Hoàng, rồi Nhân Hoàng nối nhau cai trị thiên hạ.
Nhiệm Phưởng, thế kỷ 6, đã viết huyền thoại Bàn Cổ trong quyển Thuật dị ký rằng:
"Ngày xưa khi Bàn Cổ chết, đầu biến thành bốn ngọn núi, hai mắt biến thành mặt trời và mặt trăng, mỡ biến thành sông biển, râu tóc biến thành thảo mộc. thời Tần và Hán, dân gian kể rằng đầu của Bàn Cổ là Đông Nhạc, bụng là Trung Nhạc, tay trái là Nam Nhạc, tay phải là Bắc Nhạc, và hai chân là Tây Nhạc. Các văn nhân ngày xưa kể rằng nước mắt của Bàn Cổ là sông, hơi thở là gió, giọng nói là sấm, đồng tử trong mắt là ánh sáng".
Trong Phong thần diễn nghĩa, Bàn Cổ là một vị đại thần độc lập và thực sự có tồn tại, không phải người khác hóa thân thành. Ông thần thông quảng đại, công lực có thể so với Hồng Quân Lão Tổ.
Bàn Cổ cùng Lão Tử, Nguyên Thủy Thiên Tôn, Thông Thiên Giáo Chủ cùng hoạt động trong thời kì Hỗn Độn, họ có khả năng quen biết lẫn nhau, có thể là bạn, cũng có thể là thù.
Từ sau khi khai thiên tịch địa, Bàn Cổ biến mất một cách thần bí, pháp bảo của ông phân ra để Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn tiếp nhận. Như vậy cuối cùng xảy ra một vấn đề, vị đại thần Bàn Cổ có năng lực cường đại đến vậy, vì sao lại biến mất một cách thần bí?
Trong Phong thần diễn nghĩa những ghi chép liên quan đến Bàn Cổ thực sự quá ít. Chúng ta chỉ có thể căn cứ trên câu nói của Hồng Quân Lão Tổ, Nguyên Thủy Thiên Tôn và Lão Tử để suy đoán một chút, có thể có đôi chút hoang đường nhưng không phải là không có khả năng xảy ra.
Một vị thần sau khi năng lực tu hành đã đạt đến Hỗn Nguyên Đại La Kim Tiên thì người đó sẽ có được năng lực căn bản để khai thiên tịch địa, kiến lập thế giới mới. Nhưng khai thiên tịch địa nhất định phải hao phí năng lượng cực lớn, dù là Hỗn Nguyên Vô Cực Đại La Kim Tiên, cũng có khả năng bị thương. Vì vậy, Hồng Quân Lão Tổ tuy công lực cao thâm, nhưng lại không khai thiên tịch địa.
Thế nhưng, thời kỳ Hỗn Độn nhất định phải kết thúc để tiến nhập sang thời đại hoàn toàn mới, thế là người đại diện của Hồng Quân Lão Tổ là Lão Tử và Nguyên Thủy Thiên Tôn đã tìm đến Bàn Cổ, cùng bàn về việc khai thiên tịch địa này.
Sau khi khai thiên tịch địa, thần lực của Bàn Cổ cơ hồ tổn hao hết. Ông qua đời, Lão Tử cùng Nguyên Thủy Thiên Tôn lần lượt tiếp nhận mỗi người một Tiên Thiên Linh Bảo. Về phần mình, Bàn Cổ đã có được uy danh khai thiên tịch địa, được vạn dân cung phụng.
Quốc Tiệp (t/h)