Ngày 2/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục đưa vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT Oceanbank và đồng phạm ra xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Tự bào chữa cho mình, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank trình bày, trong đơn kháng cáo trước đó, bị cáo xin được miễn truy tố 2 tội danh Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan số tiền 69 tỷ đồng và 246 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi “suy nghĩ lại”, tại phiên phúc thẩm, Hà Văn Thắm nhận thức bản thân đã vi phạm quy định của Nhà nước, cụ thể về khoản 69 tỷ đồng đã làm sai Thông tư của Ngân hàng Nhà nước liên quan thu phí ngoài các hợp đồng tín dụng; khoản 246 tỷ đồng là chi lãi suất vượt trần. Theo đó, cựu Chủ tịch Oceanbank xin được chuyển 2 tội danh đã bị truy tố trước đó sang tội Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tiếp đến, bị cáo Hà Văn Thắm cho rằng, tòa cấp sơ thẩm chưa xem xét cho bị cáo hưởng bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào với lý do trong suốt thời gian bị tạm giam, bị cáo không được tiếp xúc với gia đình, cũng như không được tiếp xúc hồ sơ nên không xuất trình được các giấy tờ về nhân thân để xin giảm nhẹ cho mình. Do vậy, trong phiên xét xử sáng nay, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank xin trình bày 6 tình tiết, mong tòa phúc thẩm xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo.
Cụ thể, bị cáo Thắm trình bày, gia đình bị cáo có công với cách mạng. Bị cáo có nhân thân tốt, có nhiều bằng khen, giấy khen của Chính phủ, Nhà nước trao tặng, có nhiều thành tích trong công tác xã hội. Trong quá trình điều tra, bị cáo tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, nhưng tòa cấp sơ thẩm chưa ghi nhận tình tiết này. Đối với 2 tội danh Tham ô tài sản và Lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản mà bị cáo bị cáo buộc xuất phát từ hành vi chi lãi ngoài, do vậy mà bị cáo mong tòa xem xét đến hoàn cảnh phạm tội cho bị cáo. Mặc dù việc khởi tố vụ án xảy ra trước khi Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực thi hành, tuy vậy, bộ luật hiện tại không còn hành vi chi lãi suất vượt trần, hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội, bị cáo Thắm mong tòa phúc thẩm xem xét đây là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Cuối cùng, trong quá trình điều tra, bị cáo chủ động đưa hết tài sản, cổ phiếu để cơ quan điều tra niêm phong, khắc phục hậu quả.
Về dân sự, Hà Văn Thắm yêu cầu tách phần dân sự buộc các bị cáo phải bồi hoàn 1.576 tỷ đồng cho Oceanbank thành một vụ án khác. Hoặc ít ra cũng cần phải tách khoản 256 tỷ đồng đã chi hoàn ứng bởi số tiền này chưa ra khỏi ngân hàng, đồng thời tách khoản 125 tỷ đồng Nguyễn Minh Thu đã chi cho 3 khách hàng Lọc, hóa dầu Bình Sơn (BSR), PVOil, và VietsoPetro do cơ quan điều tra đã khởi tố về hành vi này trong một vụ án khác.
Hà Văn Thắm cho rằng, bản án sơ thẩm đã sử dụng động cơ mục đích duy nhất của bị cáo là chi lãi ngoài nhằm thu hút khách hàng gửi tiền vào Oceanbank để kết 3 tội danh. Tại trang 21 của Cáo trạng đã quy kết rất rõ và bị cáo Thắm không phủ nhận điều này, song với mục đích như vậy, bị cáo lại gây thiệt hại cho Oceanbank, thì việc quy kết như vậy theo bị cáo Thắm là hoàn toàn mâu thuẫn. Bởi theo quan điểm của bị cáo Thắm là đã vì mục đích vụ lợi là phải làm lợi cho Oceanbank chứ không phải gây thiệt hại cho ngân hàng của mình.
Bị cáo Thắm cũng trình bày, với tư cách là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, tự bản thân bị cáo sẽ phải có biện pháp ngăn chặn Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt tiền của mình. Do vậy, bị cáo Hà Văn Thắm đề nghị HĐXX chuyển hành vi giúp sức cho Nguyễn Xuân Sơn tham ô và chiếm đoạt tài sản sang tội danh Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cũng trong phần tự bào chữa, Hà Văn Thắm cho rằng bản án sơ thẩm đã không có sự công bằng giữa các cổ đông, giữa các khách hàng và giữa các bị cáo. “Hành vi của các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Lê Thị Thu Thủy không khác so với bị cáo nhưng bản thân bị cáo lại bị kết án nặng hơn, điều này là bất công giữa các bị cáo với nhau”, cũng như, “Phần thiệt hại phải là thiệt hại của các cổ đông, nếu PVN được bồi thường thì các cổ đông khác cũng phải được bồi thường với quyền lợi cổ đông ngang bằng”, bị cáo Thắm nói.