Số thu của quỹ vắc-xin được thông báo công khai trên website
Thời gian gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ lùm xùm liên quan đến các quỹ tài trợ để ủng hộ đồng bào miền Trung trong trận lũ lụt lịch sử hồi cuối năm 2020. Cụ thể là không rõ ràng minh bạch trong sử dụng tiền tài trợ, chậm giải ngân mà không có thông báo từ người phụ trách quỹ... Từ đó, người dân có phần mất niềm tin vào việc vận động tài trợ một cách tự phát của các cá nhân, tổ chức.
Ra đời trong bối cảnh nói trên, quỹ vắc-xin phòng Covid-19 (gọi tắt là Quỹ) vừa được Chính phủ thành lập ngày 26/5/2021 đã không tránh khỏi phản ứng thận trọng của dư luận xã hội. Tuy nhiên, bộ Tài chính khẳng định sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc vận động quyên góp, quản lý và sử dụng Quỹ.
Theo đó, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng vụ Ngân sách Nhà nước (NSNN), bộ Tài chính cho biết, trong quyết định thành lập Quỹ thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho bộ Tài chính quản lý nguồn tài chính của quỹ. Quyết định sử dụng khi nào và mỗi lần bao nhiêu thì do bộ Y tế đề xuất, từ đó các cơ quan liên quan sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, bộ Tài chính sẽ xuất tiền từ Quỹ để thực hiện mua vắc-xin.
"Số thu của Quỹ cũng sẽ được ghi nhận và sẽ được công khai minh bạch trên các website của bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết thì sẽ có thanh tra, kiểm toán theo quy định. Trong quá trình sử dụng thì mục tiêu sử dụng chủ yếu để mua vắc-xin hoặc hỗ trợ sản xuất vắc-xin trong nước.
Mọi quyết định xuất quỹ đều căn cứ vào yêu cầu thực tế và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy chúng tôi cho rằng Quỹ sẽ được quản lý, sử dụng hoàn toàn công khai, minh bạch", ông Hưng khẳng định.
Trước đó, ngày 26/5, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 53/NQ-CP về việc thành lập quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập quỹ vắc-xin phòng Covid-19.
Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc tìm kiếm, huy động, quản lý các nguồn lực xã hội cùng với nguồn lực chính từ ngân sách Nhà nước để nhanh chóng có được vắc-xin phòng Covid-19 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Quỹ, ngày 27/5/2021, lãnh đạo bộ Tài chính đã họp với các đơn vị liên quan trong đơn vị để triển khai Nghị quyết số 53/NQ-CP và Quyết định 779/QĐ-TTg, theo hướng: Giao vụ NSNN xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng Quỹ; giao Kho bạc Nhà nước là cơ quan đầu mối quản lý nguồn lực. Hiện nay, các đơn vị trên đang khẩn trương triển khai các nội dung để báo cáo lãnh đạo Bộ, trước khi xin ý kiến tham gia của bộ Y tế và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Dự kiến trong tuần sau, chúng tôi sẽ hoàn thiện Quy chế này để ban hành”, Vụ trưởng Võ Thành Hưng cho biết.
Tiếp đó, ngày 28/5, bộ Tài chính ra thông cáo báo chí về tiếp nhận kinh phí ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Cụ thể, Bộ này cung cấp thông tin tài khoản tiếp nhận như sau:
Ở phạm vi trong nước, cá nhân/tổ chức tài trợ có thể chuyển khoản vào tài khoản mang tên "Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 tại sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước. Số hiệu tài khoản là: 3761.0.9098866.91999 (VND); 3761.0.9098869.91999 (USD) và 3761.0.9098786.91999 (EUR);
hoặc tài khoản "Quỹ vắc-xin phòng Covid-19" mở tại ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Hà Nội. Số hiệu tài khoản: 21110009116868 (VND); 21110371116868 (USD) và 21110142996868 (EUR).
Các cá nhân/tổ chức ở ngoài nước có thế chuyển khoản ủng hộ Quỹ theo thông tin sau:
- Account name: Fund for Vaccination Prevention of Coronavirus Disease 2019.
- Account number: 21110009116868 (VND), 21110371116868 (USD) and 21110142996868 (EUR).
- Bene bank: Bank for investment and Development of Vietnam JSC,
Hanoi branch – 4B Le Thanh Tong Street, Phan Chu Trinh Ward, Hoan Kiem District, Hanoi City, Vietnam.
- Swift code: BIDVVNVX.
Trong một diễn biến liên quan, Vụ trưởng vụ NSNN Võ Thành Hưng cho biết thêm, theo quy định tại Khoản 1, Điểm 2-Nghị định 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 31/3/2021 về hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, quy định: Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định.
Nên ủng hộ vào các quỹ tài trợ của tổ chức
Đây là quan điểm của TS. Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực vận động tài trợ - khi trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin pháp luật về hoạt động vận động và quản lý các quỹ tài trợ nói chung hiện nay.
Từ thực tế thời gian qua, một số cá nhân, người nổi tiếng đứng ra vận động và trao từ thiện cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung song vướng nhiều lùm xùm khiến dư luận mất niềm tin, TS. Hùng cho rằng, cá nhân/tổ chức khi muốn tài trợ thì nên thông qua các cơ quan, tổ chức chính thống. "Việc hỗ trợ không chỉ là ứng phó khẩn cấp mà còn hướng tới phát triển bền vững”, ông Hùng nói.
Chia sẻ thêm, TS. Trần Quốc Hùng cho biết, khi đất nước còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh thì việc kêu gọi nguồn lực xã hội hoá là hết sức cần thiết nhưng cần quy định rõ ràng, làm sao phải tuân thủ về tính kịp thời, minh bạch.
"Hiện nay, nhiều tổ chức đứng ra vận động và triển khai các hoạt động tài trợ. Quá trình này có 5 bước: Tổ chức vận động; tiếp nhận, triển khai nguồn lực; kiểm tra, giám sát; tổ chức tôn vinh khen thưởng. Nếu rõ ràng, minh bạch trong các khâu tiếp nhận, sử dụng, đồng thời với kiểm tra giám sát tốt và có tôn vinh khen thưởng kịp thời như vậy thì chắc chắn sẽ không có những vấn đề phát sinh như một số ca sĩ, nghệ sĩ vận động tài trợ thời gian vừa qua", ông Hùng nhận định.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Minh Minh