Nhìn lại "màn kịch" giả dối lấy nước mắt của khán giả
Hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên trường hợp đáng thương đã lấy đi không ít nước mắt của khán giả truyền hình và những nhà hảo tâm, đó là trường hợp cô Lượm, nhân vật của chương trình Người xây tổ ấm, được phát sóng vào ngày 25/1/2011.
Đáng tiếc thay, những gì mà cô Lượm và những người làm chương trình Người xây tổ ấm đã nói trong chương trình hôm ấy lại hoàn toàn không phải sự thật.
Còn nhớ, vào năm 2010, trang Tintuconline tổ chức cuộc thi viết về “Mối tình đầu của tôi”. Tác phẩm “Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời” đã đoạt giải trong cuộc thi trên.
Nội dung câu chuyện kể về cô bé bị cha mẹ bỏ rơi trên ghế đá trước trường Quốc học Huế khi vừa chào đời. Cô bé được một bà lão nhặt về nuôi, đặt tên là Lượm.
Năm Lượm 15 tuổi, người bà nuôi mất trong trận lụt lịch sử tại Huế (năm 1999). Từ đó, Lượm sống lang thang, hằng đêm ngủ vật vạ ở bến tàu, sân ga, công viên, rồi làm thuê, bán vé số.
Một ngày, Lượm gặp được một người đàn ông tốt bụng, kiếm cho cô chỗ ăn ở, xin việc làm và dạy học chữ. Sau đó, người đàn ông này đi Mỹ đoàn tụ với gia đình, Lượm ở lại mới biết mình đã có thai. Đứa bé ra đời lại bị bệnh tim bẩm sinh nên Lượm phải chấp nhận làm “gái bán hoa” để có tiền chạy chữa cho con...
Khi giao lưu với bạn đọc trên báo điện tử, Trần Thị Thùy Dương ở Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên- Huế tự nhận mình chính là nhân vật Lượm trong câu chuyện trên.
Từ câu chuyện cảm động đó, chương trình Người xây tổ ấm đã liên hệ với Dương đề nghị thực hiện một phóng sự về cuộc đời của Lượm (phóng sự phát ngày 25/1/2011 trên VTV1). Sau khi chương trình phát sóng, nhiều khán giả cảm động trước hoàn cảnh bi đát này và có nhiều người đã gửi tiền giúp đỡ Lượm.
Nhân vật Lượm (bên trái) và con trai trong chương trình Người xây tổ ấm.
Bị phát hiện, Thùy Dương thừa nhận sự giả dối và cho biết, "đã “theo lao” rồi nên cũng phải tiếp tục đóng giả vai của Lượm mặc dù lương tâm rất cắn rứt". Dương cho biết toàn bộ những kỷ vật như sợi dây chuyền của mẹ để lại cho khi bỏ rơi trên ghế đá, những chồng sách và váy của người yêu tặng trước khi đi Mỹ đều do cô lấy từ nhà đem đến nhà dì Huê để "đóng phim" chứ không có kỷ vật nào như trong chuyện kể.
Phóng viên của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế thực hiện phóng sự về “cô Lượm” Trần Thị Thùy Dương cho rằng, vì chủ quan nên đã để Dương lừa hàng triệu khán giả.
Liên quan đến chương trình của VTV, mới đây lại xảy ra vụ tranh cãi giữa Luật sư Trần Đình Triển và nhà báo Thu Uyên, khi luật sư này tố Thu Uyên và chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly số 3 và số 11 đã dựng lên những mối quan hệ mẹ-con, cha-con không có thật để lừa khán giả.
Nhà báo Thu Uyên đã lên tiếng bảo vệ chương trình của mình và cũng khẳng định đúng là có sự nhầm lần, và khi phát hiện ra sự nhầm lẫn ấy, những người làm chương trình đã gửi lời xin lỗi nhân vật.
Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ở đó khi luật sư Triển vẫn tiếp tục tung những chứng cứ tố nhà báo Thu Uyên lên facebook.
VTV quá “tiết kiệm” một lời xin lỗi?
Sau khi màn kịch của cô Lượm được vén ra, nhân vật Lượm đã xin lỗi dư luận cả nước và những nhà hảo tâm đã từng ủng hộ mình. Còn về phía VTV, cho tới khi Thanh tra Bộ Thông tin – Truyền thông ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 18 triệu đồng vì “thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng” và yêu cầu VTV cải chính, xin lỗi theo đúng quy định của Luật Báo chí, đến tận lúc đó, phía VTV và BTV Kim Ngân – người phụ trách chương trình Người xây tổ ấm mới chính thức có lời xin lỗi khán giả cả nước trong chương trình phát sóng ngày 29/3/2011.
Còn vụ lùm xùm giữa luật sư Triển và nhà báo Thu Uyên cùng những người làm chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly vẫn chưa đi đến hồi kết. Mặc dù phía nhà báo Thu Uyên đã lên tiếng xác nhận việc xin lỗi nhân vật trong chương trình của mình, nhưng đối với khán giả cả nước thì chưa có bất cứ động thái xin lỗi nào.
'Cuộc chiến' này vẫn chưa có hồi kết, còn khán giả vẫn đang chờ đợi một lời xin lỗi.
Chương trình đã thu hút rất đông khán giả xem truyền hình, cũng đã lấy đi không ít nước mắt của công chúng, vậy tại sao khi phát hiện những gì chương trình đã phát sóng không đúng sự thật, cho dù là nhầm lẫn, khán giả vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào? Điều đó làm nhều người không khỏi băn khoăn, thậm chí là bức xúc.
Thiết nghĩ, nếu truyền hình có nhiều lợi thế trong việc "lấy" nước mắt khán giả thì càng phải có trách nhiệm hơn với họ, để không bị khán giả quay lưng. Mọi việc sẽ khép lại, nhưng mọi người có quyền nghĩ “giá như” có một lời xin lỗi đầy đủ, thỏa đáng ngay từ đầu, thì mọi việc sẽ đỡ phức tạp biết bao.
Hoài Thu