Từ cô bé hát rong đến biểu tượng làng cải lương
Nghệ sĩ Út Bạch Lan sinh năm 1935 tại Long An. Ngay từ nhỏ bà đã phải chịu nhiều vất vả vì bố mất sớm nên bà cùng mẹ phải quần quật với công việc làm thêm để kiếm sống. Cuộc sống của Út Bạch Lan và mẹ là chuỗi ngày nhiều khó nhọc nhưng chính những ngày tháng cùng mẹ đi qua các con phố Sài Gòn đã giúp bà yêu những làn điệu vọng cổ.
Chữ duyên đã giúp Út Bạch Lan gặp cô Năm Cần Thơ - người có tiếng trong giới hát ngày ấy và sau cuộc gặp gỡ định mệnh, cuộc đời của bà bước sang một trang khác. Út Bạch Lan từ cô bé hát rong khắp các con phố ở Chợ Lớn trở thành nghệ sĩ, đứng trước hàng trăm khán giả.
Ngay từ lần đầu đứng trên sân khấu, Út Bạch Lan đã được khán giả đặc biệt yêu mến. Chất giọng ấm, mượt mà, nỉ non, có phần ai oán phận người của bà khiến khán giả nghe một lần đã thấy thương thấy nhớ và các đoàn hát đặc biệt yêu thích. Vai Hương (Nửa đời hương phấn), Lê Thị Lan (Tuyệt tình ca), Sơn nữ Phà Ca trong vở diễn cùng tên, chị Hằng (Con gái chị Hằng), Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển),... đã giúp Út Bạch Lan trở thành biểu tượng của làng cải lương.
Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp Út Bạch Lan gặp và yêu nghệ sĩ nức tiếng Thành Được. Lúc đó, Thành Được không chỉ là một nghệ sĩ nổi danh mà còn là anh chàng có vẻ ngoài điển trai, khéo nói nên được nhiều cô gái mê mẩn. Cũng như nhiều cô gái khác, Út Bạch Lan cũng nhanh chóng bị người đàn ông này hút hồn và tình yêu của họ chớm nở sau khi quen biết ít lâu. Thuở ấy, chuyện tình đẹp như thơ của họ nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả. Sau một thời gian yêu nhau, họ kết hôn trong sự chúc phúc của rất nhiều nghệ sĩ lúc đó. Nhưng, cũng bắt đầu từ đây, Út Bạch Lan phải đối mặt với những đắng cay.
Liên tiếp nhận nuôi con rơi của chồng
Cưới nhau không bao lâu, bà đau đớn khi một người phụ nữ từng có quan hệ với chồng bế con đến trước cửa nhà nhờ nuôi hộ. Bà kể, cô bé tên Liên, lúc ấy mới chỉ 3 tuổi. Mẹ cô bé đến gặp bà và nói, “vì vất vả quá nên không thể nuôi được” và nhờ bà nuôi giùm. Với một người con gái, đó là nỗi đau không thể diễn tả bằng lời, nhưng tình yêu, sự nhân văn đã khiến bà đồng ý nuôi cô bé Liên.
Sau bé Liên, Út Bạch Lan, nhận thêm bé thứ hai tên Dũng. “Mẹ cháu ở Huế. Khi lỡ làng, người mẹ ấy bị gia đình đuổi ra khỏi nhà, bụng mang dạ chửa lật đật vào Sài Gòn tìm tôi và được cô Phượng Liên giới thiệu đến. Tôi nói: Thôi thì phận đàn bà con gái, em cứ ở lại, chị thuê nhà cho em ở để sinh nở và thuê bà vú chăm con cho em”, Út Bạch Lan kể trong một cuộc phỏng vấn.
Sau đó, Út Bạch Lan nhận thêm đứa thứ ba tên Sơn, con của một người ở Gò Công và đứa thứ tư tên Châu. Các bé được mang đến cho bà đều từ khi còn đỏ hỏn. Nhiều người tự hỏi, tại sao Út Bạch Lan lại có thể làm được điều vĩ đại đến vậy? Tại sao bà lại có thể vượt qua nỗi đau bị phản bội để mở lòng yêu thương những đứa trẻ kia?
Những sóng gió ấy đã đẩy cuộc hôn nhân của bà đến sự đổ vỡ. Trong cuộc hôn nhân vỏn vẹn có 3 năm với Thành Được, Út Bạch Lan không có con. Bà chăm con chồng như con mình. Khi bà và ông chia tay, nữ nghệ sĩ vẫn không rời bỏ các con, coi các con như con mình, rồi dựng vợ gả chồng và đến khi mẹ ruột quay trở về xin nhận lại con, nghệ sĩ Út Bạch Lan lại nhiệt tình hoàn tất thủ tục để trả con.
Ông trời thật biết cách trêu đùa người con gái ấy, nhưng dù bà đau đến cùng cực vẫn bước qua nỗi đau để sống thật nhân văn. Bà tìm kiếm sự bình an cho cuộc sống bằng lòng nhân hậu. Những nỗi đau, những bất hạnh trải qua, bà gói ghém lại rồi gửi gắm qua những câu hát. Vì vậy mà, nghệ sĩ Út Bạch Lan ngày càng hát hay, giọng hát của bà da diết hơn. Tình yêu thương của khán giả cùng niềm tôn kính của bao lớp nghệ sĩ trẻ đã bù đắp cho những mất mát trong hạnh phúc riêng của bà.
Trải qua tận cùng đau đớn vì bị phản bội, nhưng bà không hề oán hận người đàn ông ấy. Bà nói rằng, mình không hận ông. Chữ oan, chữ trái kia bà coi là cái nghiệp mà nghiệp thì của chính mình chứ không phải do lỗi của người khác. Thế nên, chữ hận không tồn tại trong mối quan hệ của họ. Gần nửa thế kỷ khi có dịp gặp lại chồng cũ trong một buổi diễn, nghệ sĩ Út Bạch Lan vẫn hát cùng ông trên sân khấu. Bà không giận hay trách ông nửa lời.
Vĩnh biệt cây đại thụ của làng cải lương
Sau những biến cố cuộc đời, Út Bạch Lan tìm đến sự bình yên nơi cửa Phật. Bà không xuống tóc xuất gia nhưng mỗi sáng đọc Kinh, tối đi diễn và làm từ thiện. Bà bảo, từ thiện là niềm vui sống của bà. Được giúp đỡ những phận đời khó khăn bà thấy ý nghĩa của cuộc sống. Bà tìm thấy hạnh phúc, sự bình an trong những hoạt động ý nghĩa ấy. Khi nói về cuộc đời mình, bà vui vẻ nói: “Tôi không muốn nói về nỗi buồn trong quá khứ và luôn vui với hiện tại. Nhìn lại cả chặng đường đã qua, tôi thấy niềm vui nhiều hơn nỗi buồn”.
Năm 2016, cây đại thụ của làng cải lương – Út Bạch Lan qua đời tại nhà riêng sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 81 tuổi. Sự ra đi của bà để lại nỗi mất mát lớn lao trong ngành nghệ thuật truyền thống và niềm tiếc thương vô hạn cho khán giả và đồng nghiệp. Ngày bà mất, rất nhiều khán giả, đồng nghiệp và báo giới đến đưa tiễn. Trước một người phụ nữ tuyệt vời đến như vậy, ai cũng dành cho bà sự kính trọng, niềm tiếc thương. Thử hỏi trên đời này có mấy ai làm được những điều kỳ diệu giống như Út Bạch Lan.
Hơn 60 năm gắn bó cùng sân khấu, giọng ca vàng và những vai diễn để đời đã đưa nghệ sĩ Út Bạch Lan lên đỉnh vinh quang của nghệ thuật cải lương với nhiều giải thưởng, danh hiệu cao quý cùng những biệt danh khán giả và báo giới đã ưu ái dành tặng như: Đệ nhất đào thương, Nữ hoàng vọng cổ, Vương nữ Sương chiều, Sầu nữ Út Bạch Lan. Mỗi danh hiệu là bao nhiêu tình cảm, sự yêu thương của khán giả gửi vào đó, thế nên bà trân trọng những danh xưng ấy, hạnh phúc mỗi khi người ta nhắc đến bà cùng những danh xưng.