Theo đó, thời gian gần đây, các nhà đầu tư tin tưởng vào hệ thống của iFan khi công ty này mời đến những sự kiện có mặt người nổi tiếng như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên và Lam Trường...
Những lùm xùm liên quan đến Đàm Vĩnh Hưng xuất phát từ ứng dụng mang tên anh được ra mắt hồi tháng 10/2017. Đây là ứng dụng do công ty của ông Diệp Khắc Cường - một doanh nhân sở hữu nhiều công ty - đầu tư, dành riêng cho các nghệ sĩ nổi tiếng.
Ông Diệp Khắc Cường thường xuyên có mặt tại các sự kiện lớn của iFan với vai trò diễn giả. Ông Cường cũng giới thiệu hệ thống V-Fan của mình để iFan tích hợp vào V-Fan như một giải pháp thanh toán, đồng thời cũng tăng uy tín cho chính hệ thống iFan.
Tại họp báo ra mắt ứng dụng mang tên Đàm Vĩnh Hưng vào cuối năm 2017, ông Cường cũng có mặt. Đứng cạnh Đàm Vĩnh Hưng, ông Cường chia sẻ với báo giới rằng ứng dụng này có nhiều chức năng hữu dụng, thể hiện cuộc sống, sản phẩm âm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng, giúp kết nối nghệ sĩ và khán giả gần hơn.
Và như vậy, vô tình hay hữu ý, trong mắt nhà đầu tư iFan xuất hiện hình ảnh ông Cường - một doanh nhân lớn có ảnh hưởng và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng - nghệ sỹ tên tuổi của Việt Nam. Cả hai đều bị nhà đầu tư "ngộ nhận" là đại diện hình ảnh cho iFan.
Sáng 11/4, nhóm PV báo Người Đưa Tin đã liên lạc với Đàm Vĩnh Hưng, tuy nhiên, nam ca sĩ đang ở Nhật nên không để bắt máy điện thoại.
Chia sẻ với PV, đại diện truyền thông của Mr.Đàm cho hay: "Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chưa từng ký bất cứ hợp đồng đại diện hình ảnh nào với công ty đầu tư kỹ thuật số này. Việc hợp tác làm app mang tên anh ấy cũng chỉ dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật, chia sẻ những dự án âm nhạc. Nhiệm vụ của anh Hưng là chỉ đồng ý đưa hình ảnh, sản phẩm lên app đó thôi.
Hơn nữa, vào cuối năm 2017, Mr. Đàm cũng từng lên tiếng trên trang cá nhân cho rằng mình bị hệ thống đa cấp iFan lợi dụng tên tuổi. Anh Đàm Vĩnh Hưng cũng là người bị hại, chứ không liên quan gì đến việc lừa đảo của công ty iFan kia".
Dự án iFan bắt đầu kêu gọi vốn từ năm 2017, hoạt động theo hình thức huy động vốn bằng tiền ảo. iFan kêu gọi đầu tư vào các nền tảng quản lý nghệ sĩ, hứa hẹn mức lợi nhuận 48-59% mỗi tháng.
Bằng cách đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn, các nhân vật chủ chốt của iFan đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án.
Sau khi huy động vốn thành công, iFan lập sàn giao dịch nội bộ, giở các trò thao túng giá, rồi tuyên bố dự án thất bại. Đến tháng 1/2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat và trang cá nhân của các "lãnh đạo iFan" đều đột ngột biến mất.
Đến ngày 8/4/2018, hàng chục người tụ tập trước văn phòng của Modern Tech, pháp nhân của iFan tại Việt Nam, giăng biểu ngữ tố hệ thống này chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng.