Giám sát chặt chẽ
Ngày 17/10, trao đổi với Người Đưa Tin ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tịch thu và chỉ đạo tiêu hủy 573 bộ dụng cụ kích điện do người dân cố tình vi phạm để khai thác thủy sản.
Ngoài ra, các địa phương đã vận động 67.157 hộ dân ký cam kết “Không sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép và sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác nguồn lợi thủy sản ở tất cả các vùng nước”.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, khó khăn lớn nhất hiện nay là do đặc thù một số địa phương có địa bàn rộng, hệ thống sông, kênh, rạch nhiều.
Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ quá ít và phương tiện phục vụ trong công tác này chưa được trang bị kịp thời, phải thuê phương tiện để tuần tra, kiểm soát nên việc tuần tra, kiểm tra, xử lý hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác nguồn lợi thủy sản chưa mang lại hiệu quả và triệt để.
Ngoài ra, một số đối tượng rất tinh vi lợi dụng các tuyến sông, kênh, rạch vắng người, tuyến không có lộ giao thông nông thôn, ban đêm khi lực lượng làm nhiệm vụ và người dân nghỉ ngơi để khai thác bất hợp pháp.
Các trường hợp sử dụng xung điện để khai thác thủy sản là người địa phương khác đến vi phạm, nên khó khăn trong công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ tầm quan trọng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phương tiện của lực lượng làm nhiệm vụ có công suất nhỏ, trong khi các đối tượng sử dụng kích điện dùng máy công suất lớn nên gây khó khăn trong việc truy bắt đối tượng vi phạm.
Chuyển đổi sinh kế cho người dân
Việc sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ, nghề và ngư cụ cấm để khai thác thủy sản không chỉ hủy diệt nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, mà còn tìm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng.
Để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến đến chấm dứt tình trạng khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, trước mắt, Sở tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp chống khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tích cực phát hiện, tố giác các hành vi khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản đến các cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.
Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để răn đe. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện các giải pháp chuyển đổi nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hủy hoại môi trường tự nhiên sang các ngành nghề khác cho người dân.
Nghề chuyển đổi đảm bảo phù hợp với nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân, phù hợp với tiềm năng, lợi thế sẵn có và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ đó, tạo sinh kế ổn định và lâu dài cho người dân.
Được biết, để tiến đến lộ trình “nói không với khai thác có tính chất hủy diệt”, “nói không với xung điện, kích điện”, UBND tỉnh Cà Mau còn đề ra cơ chế, hình thức khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt.
Đồng thời, quy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nếu để xảy ra tình trạng người dân trên địa bàn vi phạm các quy định pháp luật về khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Mới đây, để công tác chống khai thác thủy sản hủy diệt đạt hiệu quả, cả hệ thống chính trị xã Tân Lộc (huyện Thới Bình, Cà Mau) cùng vào cuộc vận động, tuyên truyền, lồng ghép phát động phong trào người dân giao nộp các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ với các dụng cụ kích điện (xiệt cá) đổi lấy gạo, nhu yếu phẩm.
Đợt phát động phong trào “đổi kích điện lấy quà” được xã Tân Lộc thực hiện từ ngày 19/8 đến hết ngày 20/10. Trong đợt cao điểm này, người dân khi đến giao nộp sẽ được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm (thùng mì, dầu ăn…) Kinh phí này một phần được trích từ nguồn quỹ của xã, còn lại được vận động xã hội hóa.
Thông tin với Người Đưa Tin, anh Ngô Văn Dư (khóm 1, phường Tân Xuyên, Tp.Cà Mau) cho biết: "Thời gian vừa qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho các hộ dân chúng tôi hiểu rõ hơn về hậu quả nguy hiểm môi trường của việc dùng kích điện, xung điện bắt cá, nên ở khu vực tôi đang sống bà con nông dân cũng không còn đi bắt thủy sản dùng điện hay các dụng cụ có tính hủy diệt nữa.
Qua đó, bản thân tôi luôn ý thức và chấp hành nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản".