Ngày 2/6, Bộ NN&PTNT đã gửi Công văn số 3671/BNN-CN đề nghị các Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố), chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền các cấp triển khai các giải pháp tối ưu để tái đàn và tăng đàn lợn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Cụ thể, các địa phương cần có chính sách hỗ trợ về đất đai, lãi suất vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi nhằm tăng cường tái đàn và tăng đàn lợn. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc tái đàn và tăng đàn.
Kịp thời công bố hết dịch khi đủ điều kiện để các cơ sở chăn nuôi tái đàn, tăng đàn đảm bảo an toàn sinh học; hoàn thiện thủ tục hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi trong thời gian qua.
Các địa phương cần tổ chức thông tin, tuyên truyền chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố) quan tâm chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên và thông báo về Bộ NN&PTNT các vấn đề phát sinh để phối hợp, xử lý kịp thời.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tỉ lệ tái đàn lợn trong tháng 4/2020 so với thời điểm trước dịch thì tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Lai Châu đứng đầu với tỉ lệ 68%; tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Đồng Tháp có tỉ lệ tái đàn thấp nhất lần lượt là 36% và 21%.
Trước đó, ngày 28/5, Bộ NN&PTNT đã đồng ý phương án đề xuất của Cục Thú y về việc nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam nhằm bù đắp nguồn cung, 'hạ nhiệt' giá lợn trong thời gian tới.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam chính thức cho nhập lợn sống từ nước ngoài vào.
Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu heo sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước và cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.
Như vậy, phải qua giữa tháng 7 mới có lợn sống "ngoại" chính thức ra thị trường.
Hoàng Mai