Công ty Cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (HoSE: BSR) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 đã soát xét bởi Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam. Báo cáo sau soát xét ghi nhận sự thay ở bảng kết quả kinh doanh.
Theo đó, sau soát xét, doanh thu 6 tháng của Lọc hoá dầu Bình Sơn không có sự thay đổi song giá vốn hàng lại giảm 212 tỷ đồng so với báo cáo tự lập xuống còn 73.665 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu khác không đổi nên sau soát xét lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng từ 12.222 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lên 12.444 tỷ đồng – tăng 222 tỷ đồng so với báo cáo chưa soát xét. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm của Lọc hoá dầu Bình Sơn gấp 3,5 lần và cũng là con số cao kỷ lục của doanh nghiệp từ trước tới nay.
Giải trình nguyên nhân lợi nhuận đột biến, công ty cho biết năm 2021 giá dầu thô đã phục hồi từ đợt giảm sốc năm 2020, tăng từ 48,89 USD/thùng bình quân tháng 12/2020 lên 73,04 USD/thùng tháng 6/2021. Tuy nhiên, xét về mức độ tăng thì những tháng đầu năm nay có biến đông tăng nhiều nhất những năm qua khi giá dầu thô bình quân từ 74,1 USD/thùng tháng 12/2021 lên 87,22 USD/thùng tháng 1/2022 và tiếp tục tăng lên đến 123,7 USD/thùng vào tháng 6/2022.
Giá dầu thô và sản phẩm tăng cao đã tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình kinh doanh của công ty trong 6 tháng đầu năm. Khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm kỳ này tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước cũng góp phần vào sự đột biến trong lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ở bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu tổng tài sản tăng 1.510 tỷ đồng lên 81.261 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II sau soát xét do sự tăng lên của khoản mục hàng tồn kho.
Sau soát xét, giá trị dự phòng giảm giá hàng tồn kho giảm 212 tỷ xuống còn gần 242 tỷ đồng tại ngày 30/6. Đồng thời khoản hàng tồn kho cũng tăng 1.299 tỷ đồng so với báo cáo tự lập lên 14.862 tỷ. Hai yếu tố này đã giúp giá trị hàng tồn kho sau dự phòng cuối quý II/2022 tăng từ 13.110 tỷ đồng lên hơn 14.620 tỷ đồng sau soát xét.
Ở phần nguồn vốn, khoản chi phí phải trả ngắn hạn và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ghi nhận sự tăng tương ứng 1.299 tỷ và 222 tỷ đồng.
Tại báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán cũng đưa ra ý kiến nhấn mạnh về việc tại ngày lập báo cáo này, các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện kiểm tra và phê duyệt quyết toán cổ phần hoá tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Về vấn đề này, Lọc hoá dầu Bình Sơn cho biết đã hoàn thành các công tác xử lý tài chính quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thuế. Tuy nhiên các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện kiểm tra và phê duyệt quyết toán cổ phần hoá tại thời điểm công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Ngoài ra, kiểm toán cũng đưa ra ý kiến về việc Toà án Nhân dân Tp.Quảng Ngãi đang làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đưa ra xét xử vụ một số ngân hàng khởi kiện công ty con của Lọc hoá dầu Bình Sơn là Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) liên quan đến khoản vay.
Cụ thể, trong năm 2021, các ngân hàng cấp tín dụng cho BSR-BF bao gồm Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã khởi kiện BSR-BF lên Toà án nhân dân Tp.Quảng Ngãi liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán và biện pháp thu hồi nợ, lãi vay hợp đồng tín dụng xây dựng nhà máy Nhiên liệu Sinh học Dung Quất.
Tại ngày 30/6, tổng số dư nợ gốc và lãi vay được BSR-BF xác định là khoảng 1.427 tỷ đồng, giá trị ghi sổ còn lại của toàn bộ tài sản cố định hữu hình dùng làm thế chấp các khoản vay trên là khoảng 1.182 tỷ đồng. Tại ngày 16/8/2022, Toà án Nhân dân Tp.Quảng Ngãi vẫn đang làm các thủ tục để chuẩn bị đưa ra xét xử vụ kiện trên.