Nga không đứng ngoài cuộc
Giống như Liên Xô, nước Nga ngày nay vẫn duy trì các chính sách ảnh hưởng ở vùng biển tranh chấp phía Đông Địa Trung Hải vì lợi ích địa chính trị và kinh tế. Điều này hiện đã giúp cho Moscow trở thành một nhà trung gian hòa bình trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp – những quốc gia vốn là đồng minh phương Tây.
Sau nhiều tháng nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) - dẫn đầu bởi Đức - không có kết quả, Nga tuần này đã bước vào cuộc chiến và cho biết họ sẵn sàng làm trung gian hòa giải giữa các bên xung đột.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước đã gặp nhà lãnh đạo Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades, người sau đó nói rằng Moscow đang theo dõi tình hình trong khu vực và sẽ giúp bắt đầu một "cuộc đối thoại thực sự" với tất cả các bên để tạo ra "các giải pháp được cả hai bên chấp nhận".
Liệu Nga có thể đóng vai một nhà hòa bình và dẫn dắt cuộc đối thoại thực sự giữa hai quốc gia thành viên NATO? Để đánh giá ngắn gọn về vai trò của Nga trong khu vực, người ta sẽ cần xét đến mối quan hệ của nước này với cả Ankara và Athens.
Viết trên Arab News, chuyên gia phân tích về Thổ Nhĩ Kỳ Sinem Cengiz cho biết, trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1990, vấn đề Síp đã cản trở mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây, ngược lại giúp Ankara có quan hệ chặt chẽ hơn với Liên Xô.
Mặc dù vấn đề Síp không phải là yếu tố quyết định mối quan hệ của cả hai, phản ứng của Liên Xô trước sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào hòn đảo này là đáng chú ý. Moscow vẫn giữ thái độ khá mâu thuẫn, ban đầu ủng hộ động thái này, trước khi kêu gọi một giải pháp quốc tế.
Thái độ của Washington đối với Thổ Nhĩ Kỳ khiến quan hệ giữa Ankara và Moscow ngày càng được cải thiện. Bức thư của Tổng thống Lyndon Johnson và lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò cơ bản trong cách tiếp cận của Liên Xô khi ấy.
Giới phân tích cho rằng, mục đích chính của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng Síp là duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Ankara và khai thác sự mâu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ. Một mục tiêu khác là xác định vai trò của mình trong bất kỳ phương án giải quyết nào về vấn đề Síp.
Nước Nga ngày nay cũng cố gắng có vai trò tương tự trong bất kỳ giải pháp nào giải quyết căng thẳng ở phía Đông Địa Trung Hải, vào thời điểm mà Ankara và Washington đang bất đồng với nhau về một số vấn đề.
Nga, nước tham gia vào các dự án năng lượng trong khu vực, đã tăng cường đáng kể mối quan hệ quân sự, chính trị và kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây.
Moscow và Ankara đang phối hợp chặt chẽ về mặt quân sự ở Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tiên tiến của Nga và tiến hành xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Nga hỗ trợ ở bờ biển phía Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia theo dõi tình hình ở Đông Địa Trung Hải dự đoán những nỗ lực của Moscow có thể làm phức tạp tiến trình tháo gỡ do châu Âu dẫn đầu vào thời điểm Mỹ đang bận rộn với chiến dịch bầu cử.
Thông điệp từ Nga
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa các thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về quyền tìm kiếm các nguồn năng lượng trong khu vực, Ankara tuần trước thông báo rằng Nga sẽ tổ chức các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật ở Đông Địa Trung Hải.
Một thông báo hàng hải cho biết, cuộc tập trận của Nga sẽ diễn ra trong tháng này tại các khu vực nơi tàu nghiên cứu địa chấn của Thổ Nhĩ Kỳ đang hoạt động. Thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Mỹ cho biết họ đang dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí đã có từ 33 năm trước đối với Síp.
Nga duy trì sự hiện diện hải quân đáng kể trong khu vực và thường xuyên tiến hành các cuộc diễn tập hải quân, nhưng việc công bố các cuộc tập trận bắn đạn thật dường như là một thông điệp quan trọng rằng: Moscow quyết tâm vẫn là một nhân tố lớn trong khu vực mà ảnh hưởng của họ sẽ không bị suy yếu bởi việc Mỹ từ bỏ cấm vận.
Mối quan hệ Hy Lạp-Nga cũng không thể bỏ qua trong bối cảnh này. Quan hệ giữa Athens và Moscow đã trở nên xấu đi trong những năm gần đây, sau quyết định năm 2018 của Hy Lạp trục xuất hai nhà ngoại giao Nga và cấm nhập cảnh đối với hai người khác.
Không cần phải nói, những cân bằng quyền lực mới trong khu vực là một yếu tố góp phần vào sự leo thang căng thẳng giữa Moscow và Athens. Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Nga và các hành động chung của hai bên trong cuộc chiến Syria đã khiến Athens cảm thấy lo ngại.
Những nỗ lực của NATO nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - hai đối thủ truyền thống trong liên minh - cũng đang trở nên phức tạp. Một cuộc họp giữa các phái đoàn quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để thảo luận về các phương pháp giảm nguy cơ xảy ra sự cố ở Đông Địa Trung Hải ban đầu được lên kế hoạch vào tuần trước tại trụ sở NATO ở Brussels đã bị hoãn lại vào phút chót.
Trước sự thất bại của các nỗ lực do EU dẫn đầu và cuộc bầu cử gấp rút của Mỹ, Nga dường như có thể tận dụng tình hình và củng cố ảnh hưởng của mình tại vùng nước tiềm ẩn nguy cơ ở Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới trả lời liệu Moscow có thành công hay không.