TSAMTO dẫn lời nguồn tin thân cận trong Quốc hội Indonesia cho hay, Nga đã mời nước này mua tàu ngầm điện-diesel do Nga sản xuất một động thái nhằm củng cố hình ảnh của tàu ngầm Nga sau thảm họa tàu ngầm Kilo tại Ấn Độ.
Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Indonesia Mahfudz Siddiq cho biết, “Đề nghị từ phía Nga là khá hấp dẫn nhưng cần phải được phân tích một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng”. Theo những thông tin mà ông Mahfudz Siddiq cung cấp, tiến độ thực hiện hợp đồng mua 3 tàu ngầm lớp Chang Bogo từ công ty Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering(DSME) của Hàn Quốc được ký kết vào tháng 12/2011 diễn ra khá chậm chạp.
Nga đang mời mọc Indonesia mua khoảng 10 tàu ngầm do nước này sản xuất nhằm lấy lại hình ảnh sau thảm họa tàu ngầm Kilo tại Ấn Độ.
Sự chậm trễ này là do các vấn đề chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Hovaldsverke-Deutsche Werft (HDW) nhà sản xuất của tàu ngầm Type-209 tiền thân của tàu ngầm lớp Chang Bogo cho phía Hàn Quốc. Ông Mahfudz Siddiq cho hay, Ủy ban quốc phòng Indonesia đang xem xét việc hợp tác với Nga để đánh giá lại việc mua hàng tiềm năng tàu ngầm do Nga sản xuất.
Nhưng ông cũng cho rằng, thỏa thuận chỉ được quyết định trong trường hợp dự án có tính khả thi cao, hợp đồng có thể được ký kết sau năm 2014. Vị đứng đầu Ủy ban quốc phòng của xứ sở vạn đảo cũng không quên ca ngợi tàu ngầm do Nga sản xuất nhưng ông cũng ví von rằng quan trọng là phía Nga có điều khoản chuyển giao công nghệ sản xuất tàu ngầm cho họ hay không.
Loại tàu ngầm mà Nga chào hàng cho Indonesia không được tiết lộ nhưng các chuyên gia nhận định có thể là tàu ngầm Kilo hoặc Amur. Jane Defence Weekly nhận định, đề xuất của Nga khá phù hợp với nguyện vọng của Hải quân Indonesia đang cần tàu ngầm mới để tăng cường khả năng bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn của họ.
Nếu hợp đồng được ký chắc chắn Nga sẽ phải chuyển giao công nghệ sản xuất tàu ngầm cho Indonesia bởi đây là điều kiện bắt buộc mà họ thường áp dụng trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, đề xuất của Nga là cả một thách thức đối với nền kinh tế Indonesia. Chi phí cho hợp đồng mua 10 tàu ngầm từ Nga khoảng 5 tỷ USD, trong bối cảnh kinh tế hiện tại có vẽ Indonesia không đủ khả năng để chi trả ngay cả trường hợp sử dụng các nguồn ngoài ngân sách.
Ví dụ trong năm 2013 tổng số tiền dành cho mua sắm vũ khí của Indonesia chỉ 1,67 tỷ USD, nếu ký hợp đồng mua tàu ngầm của Nga thì không còn tiền cho các khoản mua sắm khác. Tuy nhiên, tinh hình không phải quá bi quan đối với Indonesia.
Những năm gần đây, xứ sở vạn đảo liên tục tăng ngân sách quốc phòng và những năm tiếp theo xu hướng tăng vẫn tiếp tục được duy trì. Điều này sẽ cho phép Indonesia có nhiều tiền hơn cho việc mua sắm vũ khí hiện đại hóa quân đội.
Ngày 16/08/2013 vừa qua, Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm 2014 lên mức 9%, như vậy ngân sách quốc phòng Indonesia năm 2014 dự kiến ở mức khoảng 83,4 triệu tỷ Rupee(8,05 tỷ USD).
Minh Tâm (theo VPK)