Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hội đàm với tân Thủ tướng Anh Liz Truss bên lề Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) hôm 21/9, chỉ vài tuần sau khi bà Truss đưa ra những bình luận gây tranh cãi về nhà lãnh đạo Pháp.
Tại cuộc hội đàm song phương, ông Macron cho rằng Anh và Pháp cần phải chứng tỏ hai bên là đồng minh và bạn bè của nhau trong một thế giới phức tạp.
Cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa 2 nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra vài ngày sau khi ông Macron đến Vương quốc Anh dự quốc tang Nữ hoàng Elizabeth II, và chỉ vài tuần sau khi bà Truss đặt câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Pháp “là bạn hay thù”.
Mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng và đối thủ “truyền kiếp” gặp nhiều khó khăn kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) vì nhiều lý do.
Sự lựa chọn từ ngữ trong bình luận của nhà lãnh đạo Pháp thậm chí còn lặp lại những từ ngữ bà Truss sử dụng khi nói về ông trong chiến dịch tranh cử chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Thủ tướng Anh vào cuối tháng trước.
Lúc đó, khi được hỏi, “Tổng thống Macron: Bạn hay Thù?”, bà Truss đã trả lời: “Nếu tôi trở thành Thủ tướng, tôi sẽ đánh giá ông ấy dựa trên hành động chứ không phải lời nói”.
Mối quan tâm về năng lượng
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm năng lượng trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
“Khi người dân của chúng ta phải đối mặt với một mùa đông khó khăn với sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng và chi phí sinh hoạt, Thủ tướng Truss và Tổng thống Macron nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau để chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga và tăng cường an ninh năng lượng”, người phát ngôn Số 10 Phố Downing cho biết.
“Chúng ta phải tiếp tục chứng minh với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng hành động tống tiền kinh tế của ông ấy đối với nguồn cung năng lượng và thực phẩm sẽ không thành công”.
Cả Pháp và Anh đều có sẵn “vốn” để sử dụng khi châu Âu cố gắng giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Vương quốc Anh là một nước khai thác và xuất khẩu dầu khí tự nhiên lớn. Và Pháp, với một số lượng lớn nhà máy điện hạt nhân, có xu hướng trở thành một trong những nhà xuất khẩu điện ròng hàng đầu châu Âu.
Tuy nhiên, Pháp đã không thể thực hiện điều trên trong năm nay khi một loạt các lò phản ứng hạt nhân của nước này gặp các vấn đề về cấu trúc và hạn hán vào mùa hè buộc một số lò phản ứng phải giảm sản lượng vì thiếu nước làm mát.
Ông Macron cho biết, ông và bà Truss cũng đã đề cập đến đề xuất của Pháp về thành lập một Cộng đồng Chính trị châu Âu, nơi các thành viên ngoài EU có thể thảo luận về các lĩnh vực chung mà họ quan tâm. Tổng thống Pháp đã nói rõ rằng, ông hy vọng nước Anh thời hậu Brexit sẽ tham gia vào một diễn đàn như vậy.
Tuy nhiên, người phát ngôn Số 10 Phố Downing cho biết, ông Macron đã không mời Anh tham dự một cuộc họp của nhóm này, dự kiến được tổ chức tại Praha (Cộng hòa Séc) vào tháng 10 tới.
Căng thẳng hậu Brexit
Quan hệ Pháp-Anh đang căng thẳng trong bối cảnh Vương quốc Anh rời EU (Brexit) vì nhiều lý do.
Paris và London đã xung đột về các vấn đề bao gồm quyền đánh bắt cá, sự chậm trễ trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa hai bờ eo biển Manche, những người xin tị nạn băng qua eo biển từ lục địa châu Âu và các quy định hậu Brexit về xuất khẩu thực phẩm từ lục địa Anh đến Bắc Ireland vốn được một số báo chí gọi là “cuộc chiến xúc xích”.
Và trong một tranh chấp ít có mối liên hệ trực tiếp rõ ràng với Brexit, Pháp cũng đã tức giận vào tháng 9 năm ngoái khi London tham gia một thỏa thuận an ninh 3 bên với Mỹ và Australia, một kế hoạch liên quan đến việc Australia từ bỏ kế hoạch mua tàu ngầm của Pháp để mua hàng do Mỹ sản xuất.
Nhưng trong cuộc hội đàm song phương hôm 21/9, Thủ tướng Anh và Tổng thống Pháp đã không thảo luận về các vấn đề với Nghị định thư Bắc Ireland hoặc vấn đề di cư qua eo biển Manche.
Người phát ngôn Số 10 Phố Downing cho biết, hai nhà lãnh đạo đã có một cuộc trò chuyện “mang tính xây dựng” kéo dài khoảng 30 phút bên lề Đại hội đồng LHQ, nhưng không đề cập đến 2 điểm gây tranh cãi trên.
Minh Đức (Theo DW, The National News)