Trong những tuần gần đây, chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad với sự hỗ trợ của Nga đã khởi động một chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát đối với các khu vực phía Tây Nam Syria do phiến quân đối lập chiếm đóng. Trung tâm của chiến dịch là tỉnh Daraa, gần biên giới Jordan và gần tỉnh Quneitra về phía Tây, nằm sát Cao nguyên Golan nơi Israel đang chiếm giữ.
Năm ngoái, Mỹ, Nga và Jordan đã đồng ý đưa Daraa trở thành vùng chống leo thang nhằm ngăn chặn các cuộc giao tranh tại khu vực biên giới nhạy cảm này. Những bên tham gia thỏa thuận cũng hi vọng rằng đây sẽ là nền tảng để các nước hợp tác về sau nhằm giải quyết nội chiến Syria và đẩy lùi các yếu tố cực đoan. Tuy nhiên, diễn biến của vài tuần trở lại đây tại Tây Nam Syria cho thấy các bên đã đồng ý việc lực lượng Syria sẽ phá vỡ thỏa thuận và tiến hành một chiến dịch quân sự mới tại vùng này.
Xét về sự tương quan lực lượng, cùng với sự hỗ trợ không kích của Moscow, quân đội Chính phủ Syria khả năng sẽ giành toàn quyền kiểm soát đối với khu vực Tây Nam trong ít tuần tới. Nhiều nguồn tin từ chiến trường cho hay các nhóm phiến quân đã xin đầu hàng, giao nộp vũ khí trước ưu thế của các lực lượng Nga-Syria tại khu vực này.
Một khi đã chiếm ưu thế ở Tây Nam, lực lượng Chính phủ Syria có thể tập trung vào khu vực tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria, nơi có nhiều chiến binh Al-Qaeda và lực lượng Nhà nước Hồi giáo cực đoan tự xưng (IS) nhất còn sót lại tại Syria. Idlib cũng là nơi có hơn 2 triệu dân thường, gồm hơn 1 triệu trẻ em.
Chiến dịch tại Idlib có thể sẽ đặc biệt khó khăn hơn các vùng khác bởi địa hình hiểm trở và mức độ cực đoan của những tay súng thánh chiến.
Bên cạnh đó, số phận của Idlib cũng sẽ phức tạp hơn so với các vùng khác bởi nơi đây có sự quan tâm lợi ích sâu sắc của Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã thiết lập một số tiền đồn tại tỉnh này. Tình hình Idlib cũng là một phần của tiến trình đàm phán ngoại giao Astana. Tuy nhiên, sự hiện diện trên bộ của Thổ Nhĩ Kỳ ở khu vực này tương đối hạn chế và họ cũng nhận thức được sự có mặt của các phần tử thánh chiến cực đoan tại Idlib, do đó chính quyền Ankara của Tổng thống Erdogan sẽ không gây quá nhiều trở ngại đối với quân Chính phủ Syria tại đây.
Sau khi Idlib được an toàn, có thể vào năm tới, lực lượng Syria cuối cùng sẽ hướng sự chú ý về phía Đông và bắt đầu chiến dịch tái chiếm các vùng đất rộng lớn hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của người Kurd. Lấy lại lãnh thổ này, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn, sẽ là chìa khóa giúp chính quyền Tổng thống Assad giành lại từng centimet đất của Syria và nỗ lực tái thiết Syria sau gần 10 năm bị tàn phá.
Tuy nhiên, giai đoạn kiểm soát vùng phía Đông Syria cũng là lúc chính quyền Assad phải xung đột lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara quyết tâm thiết lập đường kiểm soát liền kề biên giới Syria, từ Afrin ở phía Tây qua Manbij ở phía Đông, như một phần nỗ lực ngăn chặn tham vọng ly khai của người Kurd.
Như vậy phải chăng cuộc chiến tại Daraa hiện tại báo trước giai đoạn cuối của cuộc chiến Syria? Trên thực tế là không. Thay vào đó, có vẻ như nó một lần nữa chứng minh quyết tâm của ông Assad nhằm duy trì quyền lực và khẳng định vị trí của mình trên toàn quốc.
Giai đoạn này cũng đánh dấu những nỗ lực của Iran nhằm duy trì sự hiện diện của nước này ở Syria, dù Tehran đã tạm chấp nhận di chuyển lực lượng do nước này hậu thuẫn ra khỏi biên giới Israel dưới áp lực của Nga. Giai đoạn này cũng đòi hỏi sự chuẩn bị của lực lượng người Kurd trước tình cảnh bị Mỹ “bỏ rơi” và sắp phải đối mặt với những chiến dịch quân sự nhằm vào nhóm.
Xét về mặt nhân đạo, chiến dịch quân sự của chính quyền Assad tại Tây Nam Syria đã kích hoạt một làn sóng tị nạn mới. Các báo cáo ban đầu của Liên Hợp Quốc cho thấy khoảng 320.000 dân thường đã phải rời bỏ nhà cửa cùng với đó là khoảng 60.000 người khác đã bắt đầu hướng về phía Jordan. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới Syria mà còn tạo ra vấn đề lớn cho Jordan khi nước này đã là nơi trú ngụ của hơn một triệu người tị nạn Syria và chỉ trong tháng trước. Một làn sóng phản đối chính quyền Jordan vài tháng trước đã nổ ra trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng yếu kém và nước này vẫn phải tiếp tục nhận thêm người tị nạn từ Syria tràn vào.
Israel hiện cũng đang tìm cách hạn chế người tị nạn tràn vào nước này vì lo sợ sẽ gây ra một làn sóng khủng hoảng di cư trong khu vực, một điều mà không quốc gia nào mong muốn sẽ tác động tới mình bởi nó sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho chính sách phát triển kinh tế và an ninh.
Xem thêm: Robot xe tăng Uran-9 của Nga có màn ra mắt tệ hại ở Syria