“Dỗi” vì thưởng Tết... ít
Chị Mai (khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội), mới thuê người giúp việc được 2 tháng, vì hiện chị đang “đứng ngồi không yên” vì người giúp việc đòi tăng lương và tỏ thái độ “dỗi dằn” vì dịp Tết vừa qua vợ chồng chị thưởng cho ô-sin... ít quá.
“Trước Tết, cả cơ quan tôi và cơ quan chồng đều chưa được thưởng Tết mà cô ấy đã yêu cầu 2 vợ chồng phải đưa tiền thưởng trước để gửi về quê cho chồng con mua sắm. Trong lúc còn đang phân vân chưa biết thưởng thế nào vì cô ấy mới làm việc được non 2 tháng, thì cô ấy “mở lời” luôn: “Năm ngoái cô được thưởng 5 triệu và một gói quà to, năm nay làm cho nhà giàu hơn, chắc được nhờ nhiều hơn đây”.
Tôi làm Nhà nước, thưởng chưa năm nào vượt quá 3 triệu đồng, vậy mà người giúp việc giờ còn đòi thưởng cao hơn cả chủ. Không chỉ vậy, tôi bảo mùng 5 cô lên vì mùng 6 cả 2 vợ chồng tôi đi làm rồi thì cô ấy trả lời giọng rất trịch thượng: “Cô làm nhà ai cũng phải qua Rằm mới lên. Phải ăn hội làng xong đã, mà qua Rằm mới là hết Tết”.
Mấy hôm nay, do các trường chưa đi học trở lại nên vợ chồng tôi phải nhờ bà nội ở quê ra trông bé giúp, nhưng do ông nội hay đau yếu lại có bệnh huyết áp nên bà nội ở với cháu mới được 1-2 ngày mà đã nhấp nhổm muốn về vì lo cho ông ở nhà. Bà bảo chỉ trông giúp hết tuần này nên vợ chồng tôi đang khổ sở vì không biết sẽ giao con cho ai, bé lớn còn đỡ, bé út mới hơn 1 tuổi. Chả nhẽ mới khai xuân đã xin nghỉ không lương hết tháng để ở nhà trông con?”, chị Mai ngán ngẩm nói.
Nhà chị Huệ (Thụy Khuê, Hà Nội) còn “thê thảm” hơn. Người giúp việc nhà chị được họ hàng ở quê giới thiệu, đã làm được hơn 10 tháng, tiền lương mỗi tháng 5 triệu đồng, bà không lấy theo tháng mà muốn vợ chồng chị cứ để cuối năm tính một thể. Vậy nên, năm hết Tết đến cũng là lúc vợ chồng chị “vắt chân lên cổ” lo tiền trả lương cho người giúp việc.
“50 triệu đồng tiền lương, tiền thưởng Tết bà ấy đòi ngoài 1 tháng lương thứ 13 như công chức Nhà nước còn tiền thưởng Tết riêng và 2 bộ quần áo, rồi “gợi ý” thưởng thêm bằng bộ đồ chơi cho 3 đứa cháu của bà ấy, ở nhà... Tính ra ngót nghét 60-70 triệu đồng.
Đưa bà ấy về tận quê, thì được nghe “yêu sách”: “Năm mới mà không tăng lương cho tôi thì anh chị kiếm người khác. Nếu đồng ý tăng thì cuối tháng Giêng hãy về đón tôi vì có mấy sào ruộng phải cày, cấy xong. Tôi đi cấy thuê cũng kiếm 500-600 nghìn đồng/ngày nên phải tranh thủ””, chị Huệ kể.
Vì không có người trông con nên vợ chồng chị Huệ đành thay phiên nhau xin nghỉ trong ánh mắt không mấy hài lòng của sếp.
Phần lớn ô-sin đều là người từ nông thôn, nông nhàn nên họ chỉ coi giúp việc như một công việc tạm thời. Vì vậy, khả năng gắn bó lâu dài với công việc là rất... bấp bênh. Nhiều người vì sợ ảnh hưởng đến tiền thưởng Tết nên trước kỳ nghỉ không nói gì, đến sau Tết, khi chủ nhà điện thoại mới thẽ thọt xin nghỉ việc. Đủ loại lý do được đưa ra: Con cháu ở nhà không cho đi làm nữa, đi làm công ty, hoặc nhà phát sinh nhiều việc,...
Vậy là nhiều gia đình lâm vào cảnh “chết đứng như Từ Hải” bởi không có phương án dự phòng cho trường hợp người giúp việc nghỉ... bất thình lình. Công việc khó sắp xếp, nếp sống đảo lộn vì không có sự trợ giúp của ô-sin khiến các cặp vợ chồng trẻ lao đao. Rất khó tìm được ô sin thay thế ngay lập tức, nhất là giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết. Vậy là, công việc chính của các ông bố, bà mẹ trẻ thay vì vui vẻ, nhàn nhã tới cơ quan liên hoan tân niên mà là đôn đáo tìm ô-sin.
Mướt mải đi tìm người giúp việc
Với không ít gia đình thành phố, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ một ngày không có ô-sin thì không khác gì “thảm họa”. Dịch vụ ô-sin ngắn hạn chỉ có thể là phương pháp “chữa cháy” trong dịp Tết hoặc những gia đình ít công việc, vì giá cao chót vót, làm việc kém nhiệt tình và không gắn bó với gia chủ.
Việc tìm một người giúp việc khỏe mạnh, biết việc và trung thực cực kỳ vất vả, nhất là trong “tháng ăn chơi” sau Tết. Tại một số diễn đàn trên Internet dành cho các ông bố, bà mẹ trẻ, nhiều bà nội trợ thi nhau giãi bày sự khổ sở vì thiếu ô-sin sau kỳ nghỉ Tết, nhờ bạn bè mách nơi nào thuê người giúp việc. Sau Tết nhiều gia đình phải nghỉ làm vì thiếu ô-sin.
“Do thu nhập của hai vợ chồng không cao nên việc tăng lương cho người giúp việc là chuyện vợ chồng tôi không thể đáp ứng trong thời gian này, vì vậy đành lên kế hoạch kiếm người mới. Nhưng từ trong Tết, dù vừa điện thoại chúc Tết bạn bè, vừa nhờ họ giới thiệu nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm được giúp việc mới. Thuê người giúp việc theo ngày thì giá cao, hỏi qua một số trung tâm thì giá thấp nhất là 300 nghìn đồng/ngày.
Vợ chồng tôi đang tính, có khi phải đưa con về quê nhờ ông bà trông giúp, hai vợ chồng chịu khó sáng đi tối về, quê cách Hà Nội hơn 50km nhưng chắc không còn cách nào khác, đợi hết tháng Giêng rồi tính tiếp”, chị Huệ cho biết.
Tình trạng người giúp việc dùng chiêu đòi nghỉ dài để ép gia chủ tăng lương mới chịu ra làm sớm không phải hiếm. Nhiều gia đình vì muốn người giúp việc ra đúng hạn, thường đưa ra các phần thưởng thêm như đi làm trước mùng 5 thì tăng lương trong tháng Giêng thêm 1-2 triệu đồng hoặc “lì xì” thêm 1 triệu đồng; đi làm từ mùng 5-6 thì tăng thêm 500 ngàn - 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Keo (40 tuổi, có 15 năm đi giúp việc tại Hà Nội) cho biết, chuyện tăng lương cho người giúp việc sau Tết là tùy thuộc vào thâm niên làm việc, thái độ làm việc cũng như chuyện tình cảm gắn bó giữa mình và chủ nhà. Không nên vì thấy chủ nhà “ở thế bí” mà ép họ, như vậy dễ dẫn đến tình trạng “bằng mặt không bằng lòng”.
“Nếu mình làm được việc, tận tình, tận tâm, coi việc nhà họ như việc nhà mình thì chủ nhà họ đâu đến nỗi “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” với mình. Bản thân tôi từng được thưởng hơn 10 triệu đồng”, chị Keo cho biết.
Theo nhiều người, thì các ô-sin thường trao đổi chuyện lương, thời gian nghỉ Tết với nhau. Và chỉ cần người này được tăng lương, được nghỉ số ngày nhiều hơn người kia thì chủ nhà sẽ bị “hành hạ lên xuống”.
Chia sẻ về chuyện này, cô Nguyễn Thị Thảo (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Người giúp việc ở càng lâu với gia đình, càng tận tâm tận tình thì càng được chủ yêu quý. “Gái có công chồng chẳng phụ”, chuyện chủ nhà thưởng tăng lương hay “bù đắp” thêm nếu đi làm sớm là điều đương nhiên, vậy nên đừng ra yêu sách đề làm mất đi tình cảm.
Với chủ nhà, dù có cần người đến mấy nhưng mình phải có quan điểm rõ ràng. Nếu họ làm được thì mình tăng lương hoặc có khoản thưởng sau Tết. Còn kiểu phụ thuộc vào họ quá thì không nên. Chủ nhà và ô-sin cũng thông cảm, hiểu cho nhau thì mới vui vẻ tiếp tục sống chung trong một mái nhà với nhau được”.
Hồng Hạnh