Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3588 về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc-xin Covid-19. Trong đó, Bộ Y tế lưu ý, khi xuất hiện 1 trong 8 dấu hiệu sau, người được tiêm vắc-xin Covid-19 cần liên hệ ngay với đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
- Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
- Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
- Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
- Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
- Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
- Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
- Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
- Toàn thân có biểu hiện: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt
Trước khi tiêm chủng, người đi tiêm cần lưu ý chuẩn bị 5 điều sau:
Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như: Chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc-xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc,… sử dụng trong thời gian gần đây.
Trong ngày đến tiêm chủng, khai báo y tế trước khi đến trung tâm, chuẩn bị khẩu trang, tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ.
Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin cần thiết.
Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân như: Tình trạng sức khỏe hiện tại; các bệnh mạn tính đang được điều trị; các thuốc và liệu trình điều trị được sử dụng gần đây.
Người đi tiêm cũng nên cung cấp thông tin về tiền sử dị ứng hoặc phản vệ của bản thân với bất kỳ tác nhân nào.
Nếu lần tiêm thứ 2, bạn nên thông báo cho cán bộ y tế các phản ứng sau lần tiêm vắc-xin trước.
Ngoài ra, cần cung cấp thông tin về tình trạng nhiễm virus hoặc mắc Covid-19 (nếu có); các loại vắc-xin được tiêm hoặc uống trong vòng 14 ngày qua; tình trạng mang thai hoặc nuôi con bú (nếu đối tượng là nữ và trong độ tuổi sinh đẻ);
Nên chủ động tìm hiểu và đưa ra câu hỏi với cán bộ y tế: Thông tin liên quan đến vắc-xin phòng Covid-19 sắp được tiêm và lịch tiêm mũi tiếp theo; Các phản ứng sau tiêm có thể xuất hiện và cách xử trí; cơ sở y tế và số điện thoại liên hệ trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó bạn nên thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học trước và sau khi tiêm vắc-xin COVID-19. Cụ thể Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) ngày 28/6 hướng dẫn 5 điều nên thực hiện trước và sau tiêm vaccine COVID-19, gồm:
-Ngủ thật ngon vào đêm trước khi tiêm: Đây là điều quan trọng, giúp hệ thống miễn dịch hoạt động tối đa.
-Bổ sung đủ nước trước và sau tiêm: Sau tiêm, cơ thể có thể bị sốt, dễ gây mất nước. Nên uống từ từ, chia nhỏ lượng uống, có thể bổ sung nước hoa quả như nước chanh, nước cam để cung cấp thêm vitamin C, A.
-Ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm: Nên ăn đủ các nhóm chất thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây tươi.
-Ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa: Nếu buồn nôn và chán ăn sau tiêm, nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt bằm với đậu xanh... và chia nhỏ bữa ăn.
-Nghỉ ngơi hoặc tập thể dục nhẹ nhàng
4 điều không nên thực hiện gồm:
-Không để bụng đói trước khi tiêm
-Không uống rượu, bia trước và sau tiêm
-Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực...) trước khi tiêm
-Không ăn nhiều chất béo bão hòa
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Gia đình & Xã hội)