Mới đây, chị N.T.S (Hà Nội) phản ánh với báo chí, chị đã được bác sĩ khoa Sản của bệnh viện Bạch Mai triệt sản hồi tháng 2/2016. Sau đó chị vẫn có thai. Thông tin này đã khiến nhiều người thấy hoang mang về phương pháp triệt sản.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ báo chí sau khi có thông tin phản ánh từ chị S., bác sĩ thực hiện ca mổ lấy con cho chị S. khẳng định chưa thực hiện triệt sản cho bệnh nhân.
Bàn về việc triệt sản, Ths. BS Thân Ngọc Tuấn, khoa Khám sản, bệnh viện Medlatec, Hà Nội cho hay: Phụ nữ sau khi triệt sản xảy ra có thai tự nhiên được hay không phụ thuộc vào phương pháp thực hiện.
Trước đây, phụ nữ triệt sản bằng cách được thắt hoặc cắt vòi tử cung. Trong trường hợp người phụ nữ mong muốn mang thai lại sẽ được bác sĩ mổ phẫu thuật nối lại vòi tử cung. Sau khi nối, người phụ nữ quan hệ bình thường thì vẫn có thể có thai. Tuy nhiên tỉ lệ thành công trong trường hợp này sẽ không cao, nhất là khi bệnh nhân thắt đã lâu thường có viêm dính.
Hiện nay, phụ nữ đã triệt sản hoàn toàn có thể mang thai lại được bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (IVF) khi buồng tử cung không có vấn đề gì hơn là mổ nội soi nối lại vòi tử cung.
Ths. Ngọc Tuấn thông tin thêm, khi cắt bỏ vòi tử cung thì khả năng phòng tránh thai có thể lên tới trên 99,9% (gần như tuyệt đối). Tuy nhiên, một số trường hợp có lỗ rò vẫn có thể mang thai ở góc sừng.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức, nguyên Viện trưởng viện Sức khỏe sinh sản cũng cho biết, phụ nữ sau khi triệt sản có con trở lại là do bác sĩ làm không đúng kỹ thuật. Nếu triệt sản không đúng kỹ thuật sẽ không có tác dụng ngăn ngừa thai.
“Nếu không am hiểu về giải phẫu, người bác sĩ có thể nhầm dây chằng với vòi trứng, thay vì thắt vòi trứng lại thắt dây chằng. Tình huống thứ hai có thể xảy ra khi người làm triệt sản chỉ thắt một bên vòi trứng nên người phụ nữ vẫn có thể có thai. Khả năng thứ ba khiến người phụ nữ có thai tự nhiên là bác sĩ khi mổ lấy thai không cắt vòi trứng”, bác sĩ Hoài Đức nói.