Vụ việc đổ trộm 2,5 tấn dầu thải tại nhà máy nước sạch Sông Đà khiến hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội điêu đứng vì nước nhiễm dầu.
Dư luận hết sức quan tâm việc dầu thải hiện nay được bán, tiêu thụ như thế nào. Mặc dù cơ quan chức năng đã siết chặt việc mua bán dầu thải bẩn, tuy nhiên hoạt động này vẫn công khai tại một số tụ điểm.
Phóng viên báo Người Đưa Tin đã tìm hiểu một số đại lý chuyên cung cấp, thu mua dầu nhớt thải, nguồn chủ yếu từ các gara sửa chữa ô tô, xe máy, được đóng từng thùng, sau đó sẽ được vận chuyển đến những cơ sở cần tiêu thụ.
Chúng tôi được người dân giới thiệu cho một cơ sở chuyên bán buôn, bán lẻ nằm trên địa bàn thôn Thanh Quang, An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), người này cho biết, gần đây cơ quan chức năng cấm bán nên nhiều cơ sở chỉ dám bán chui chứ không công khai như trước.
Đi vào con ngõ nhỏ gồ ghề bùn đá, tại đây, cơ sở này chất đống những thùng phuy nặng bên trong chứa dầu thải nhớt đang chờ chuyển đi. Bên trong nhà xưởng thì khóa cửa im lìm, được bao quanh bởi lưới sắt phủ cây bên ngoài.
Tiếp theo, chúng tôi được một người dân khác chỉ sang thôn Yên Lũng, An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Được biết, thôn này mệnh danh là làng buôn đồ thải, trước kia chuyên tái chế dầu thải, tuy nhiên mùi và ô nhiễm nguồn nước, dân bức xúc nhiều nên đã không còn tái chế nữa mà chỉ thu gom rồi chuyển cho nơi nào cần.
“Bên làng đấy bây giờ chỉ đi mua sau đó chuyển cho những cơ sở hay người nào cần đến mua thôi”, một người dân địa phương cho biết.
Qua thôn Yên Lũng, địa bàn nằm sát Đại Lộ Thăng Long, việc mua bán diễn ra tấp nập, công khai ngay tại cổng làng. Đi sâu vào thôn, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập hơn thế, những thùng phuy to ngổn ngang dọc hai bên đường, người mua bán tập nập, thấy người lạ, những đại lý rất dè chừng, soi xét.
Anh Nguyễn Văn Hưng (An Nhiên, Hoài Đức), người chuyên đi thu gom dầu thải tại các gara cho biết: “Thường thì đi sớm sẽ thu được nhiều, mỗi ngày trung bình tầm 50kg, giá dao động khoảng 4.000 – 7.000 đồng/kg”.
“Dạo này cơ quan chức năng cấm mua dầu thải do vụ nước sông Đà nhiễm dầu, nên chúng tôi tranh thủ đi mua rồi tập kết lại, sau đó mang qua đại lý thu gom lấy phần trăm”, anh Hưng cho biết thêm.
Có ý muốn mua một ít về đánh chuột, tuy nhiên người phụ nữ tên Thoa (chủ thu gom dầu nhớt thải) tỏ vẻ không muốn bán vì người mua số lượng ít. “Nếu mua mấy lít trở lên thì mới bán, giá là 10.000 đồng/lít, mua với số lượng nhiều thì có người vận chuyển cho”, người phụ nữ này cho biết thêm.
“Giờ dầu thải cũng sạch rồi có ai đi dùng để đánh chuột nữa đâu, người ta chỉ dùng để đun lò gạch hoặc phục vụ một số công việc khác thôi”, người này giải thích cho chúng tôi hiểu.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, lãnh đạo phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Hoài Đức cho biết: "Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được phản ánh của người dân về việc ô nhiễm, trong thời gian tới nếu có chúng tôi sẽ cho tiến hành kiểm tra".
Dầu nhớt thải rất độc hại nằm trong danh mục chất thải nguy hại
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh (viện Công nghệ sinh học – Đại học Bách khoa Hà Nội): “Dầu nhớt thải rất độc hại cho môi trường, đặc biệt là sức khỏe con người. Tại một số nước, người ta tái chế bằng hệ thống khép kín trong môi trường chân không, khi nhiệt độ cao lên đến 3.000 độ C, xăng và dầu nhẹ sẽ hóa hơi rồi được ngưng tụ thông qua hệ thống giải nhiệt và được thu lại chứa trong các bồn chứa. Sau khi trung hòa và hấp phụ bằng đất sét hoạt tính, dầu được bơm tuần hoàn qua hệ thống lọc thô cho đến khi dầu tương đối sạch và được lọc tinh với độ mịn của màng lọc để thu được dầu gốc tái sinh với chất lượng tương đối tốt so với dầu gốc ban đầu.
Tuy nhiên dầu tái chế được chủ yếu từ các xe ô tô lớn hoặc tại các ngành công nghiệp dùng dầu 1 lần. Còn đối với dầu thải từ xe máy hoặc ô tô con thì không thể tái chế được".
Theo ông Thịnh, nước ta tái chế dầu thải chủ yếu bằng phương pháp thủ công không qua kiểm định nên dầu còn dính các độc tố hay kim loại nặng khác.
Trao đổi về vấn đề pháp lý, luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc công ty Luật cán cân Việt) cho biết, dầu nhớt thải bẩn luôn là chất thải nguy hại được liệt trong danh mục các chất thải độc hại. Và việc xử lý tái chế là điều rất khó, rất phức tạp.
Theo điều 7 Nghị định 38/2015 của Chính phủ (về quản lý chất thải và phế liệu) quy định: Chủ nguồn thải chất nguy hại phải đăng ký với sở Tài nguyên & Môi trường nơi có cơ sở phát sinh chất thải nguy hại.
Cơ sở này phải có biện pháp giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại; tự chịu trách nhiệm về việc phân định, phân loại, xác định số lượng chất thải nguy hại phải báo cáo và quản lý; có khu vực lưu giữ tạm thời chất thải nguy hại.
Trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại, chủ nguồn chất thải nguy hại phải ký hợp đồng để chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy phép phù hợp.
Theo luật sư Kiên, đối với những cá nhân tổ chức mua bán chất thải độc hại là vi phạm pháp luật theo Khoản 7, Điều 21 Nghị định 155/2016/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) quy định, hành vi chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại cho tổ chức, cá nhân không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại bị phạt tiền từ 10 đến 250 triệu đồng từ dưới 100kg đến hơn 5.000kg chất thải nguy hại.
Lê Liên - Nguyễn Phong