Những ngày qua, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Ninh Thuận đã chuyển cho cơ sở 4.400 áo phao cứu sinh, 20 chiếc phao bè cứu sinh, 5 nghìn bao cát… để sẵn sàng ứng phó với cơn bão và mưa lũ.
Ngoài việc chỉ đạo 2.062 tàu thuyền, di chuyển 229 lồng bè nuôi thủy sản neo đậu an toàn, các lực lượng vũ trang đã giúp chằng chống 1.145 nhà ở của người dân ở các huyện Thuận Bắc, Thuận Nam, TP Phan Rang – Tháp Chàm và sơ tán 177 hộ/446 người dân và tài sản ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Ninh Thuận, từ ngày 24 đến 26/11, toàn tỉnh có tổng lượng mưa từ 150mm - 250mm, sẽ xuất hiện một đợt lũ trên mức báo động 2 và báo động 3.
Các huyện Ninh Sơn, Bác Ái, Thuận Nam và Thuận Bắc sẽ xuất hiện lũ quét, sạt lở đất; các vùng trũng thuộc TP Phan Rang – Tháp Chàm, huyện Ninh Phước và Ninh Hải bị ngập nước. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất hơn cấp độ 2.
Sau khi đi thực tế tại một số địa phương thì Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng đã có buổi làm việc với các lãnh đạo của tỉnh Ninh Thuận về phương án phòng chống bão số 9. Tại buổi làm việc Thứ trưởng đã nhấn mạnh: “Qua cơn bão số 8 vừa rồi mặc dù mưa khá nhỏ thôi nhưng không ai tưởng tượng được là Khánh Hòa có đến 19 người chết mà nguyên nhân chủ yếu là sạt lở đất. Theo đánh giá thì hiện nay một số vùng cũng có nguy cơ sạt lở đất thế nên chúng ta cần rút bài học kinh nghiệm về phương án phòng chống bão không để bị động”.
“Ninh Thuận cần tăng cường kiểm tra và bố trí lực lượng tại các vùng xung yếu, vùng dễ sạt lở để kịp thời hỗ trợ người dân và cần phân công người trực 24/24 tại các hồ chứa để kịp thời vận hành xả lũ đúng quy trình và cần thông báo trước cho người dân biết. Cần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để các hạng mục công trình Đập dâng Tân Mỹ sớm hoàn thành, bảo đảm việc vận hành, tích nước hiệu quả trong việc chống hạn cho tỉnh trong thời gian tới”.
Ngoài ra, tại buổi làm việc ông Vũ Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng tổng cục Phòng chống thiên tai đã khuyến cáo:“Theo dự báo tâm bão sẽ không đi vào Ninh Thuận, tuy nhiên cường độ gió Bắc và lốc xoáy cục bộ rất mạnh và trong đêm nay nên Ninh Thuận sẽ có mưa lớn và gió, cường độ mưa lên đến 300 – 400 mm cũng giống như Nha Trang đợt bão số 8. Trong đêm nay tỉnh Ninh Thuận cũng nên tập trung các ban ngành tiếp tục rà soát lại các vùng nguy hiểm, đặc biệt là tại khu dân cư thấp trũng, ven sông, ven biển bố trí lực lượng di dời người dân đến nơi an toàn”.
Trong những ngày mưa bão có kết hợp với triều cường, dễ dẫn đến việc ngập cục bộ, cần có cảnh báo thường xuyên để người dân ở các vùng trũng di dời đến nơi an toàn.