Mới đây, trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News TV, ông Al-Jubeir nêu rõ: "Chúng ta đang chứng kiến những khó khăn về địa chính trị, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế bị chậm lại… Chúng tôi cam kết sẽ hành động theo hướng ưu tiên nhằm đảm bảo rằng sẽ không có bất cứ sự sụp đổ nào trên thị trường năng lượng. Điều này sẽ gây bất lợi không chỉ cho các nhà sản xuất mà còn đối với người tiêu dùng và nền kinh tế toàn cầu."
Ông Adel Al-Jubeir nói thêm, Saudi Arabia không chính trị hóa mặt hàng dầu mỏ và các quyết sách liên quan dầu mỏ. "Chúng tôi coi dầu mỏ là một loại hàng hóa. Ý kiến rằng Saudi Arabia lợi dụng điều này để gây bất lợi cho Mỹ hoặc có liên quan chính trị theo bất cứ cách nào, là hoàn toàn không đúng", ông khẳng định. Ông cũng cho biết, Ryiadh đã tăng dần sản lượng dầu ra thị trường sau khi nhận thấy sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu.
Quốc vương Salman bin Abdulaziz từng nhấn mạnh rằng sự ổn định và cân bằng của thị trường dầu mỏ là một trong những trụ cột chiến lược năng lượng của Saudi Arabia.
Quốc vương Abdulaziz khẳng định, dầu mỏ là một yếu tố quan trọng hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và thể hiện qua vai trò then chốt trong việc thiết lập cũng như duy trì thỏa thuận OPEC+ nhằm thúc đẩy sự ổn định của thị trường và tính bền vững của nguồn cung.
Saudi Arabia cho rằng OPEC+ có hơn 23 quốc gia thành viên là các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới và có thể kiểm soát giá cả, cân bằng thị trường dựa trên dữ liệu cung cầu toàn cầu. Saudi Arabia có thể sẽ tăng công suất sản xuất dầu hàng ngày lên hơn một triệu thùng, vượt mức 13 triệu thùng mỗi ngày vào đầu năm 2027.
Theo tuyên bố của Bộ Dầu mỏ Saudi Arabia, đây là công suất sản xuất tối đa mà nước này sẽ đạt được. Saudi Arabia đang đầu tư mạnh mẽ để đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu, nhưng cũng quan tâm đến tương lai và phát triển năng lượng tái tạo.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, VOV)