Hơn một tháng sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt một cuộc phong tỏa ở vùng Vịnh, chính quyền Doha vẫn kiên định với lập trường không chấp nhận thỏa hiệp và dường như nước này vẫn “sống ổn” trước áp lực từ tứ phía.
Theo Sputnik, sau khi gia hạn thời gian suy nghĩ cho Doha trước tối hậu thư gồm 13 yêu cầu mà cuối cùng không đem lại kết quả, các nước vùng Vịnh giờ đây đang rơi vào thế bí khi không biết phải làm gì tiếp theo.
Không chỉ Mỹ bất ngờ kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar thông qua đối thoại, các quốc gia như Anh và Pháp cũng không hài lòng đối với hành động tự quyết của Saudi Arabia trong khu vực và GCC.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã bắt đầu chuyến thăm hai ngày tới Qatar, Saudi Arabia , Kuwait và UAE.
Theo bộ Ngoại giao Pháp, đại diện đến từ Paris sẽ lắng nghe quan điểm của các bên về tình hình căng thẳng đang diễn ra xung quanh Qatar cũng như đưa ra đóng góp của Pháp vào các nỗ lực hòa giải do Kuwait dẫn đầu.
Khủng hoảng năng lượng
Trong khi diễn biến cuộc vây hãm Qatar vẫn còn dai dẳng, ông Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đánh giá cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh có thể là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
"Cuộc khủng hoảng Qatar một lần nữa khẳng định những rủi ro có thể xảy đến và cho thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh cho nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên", ông nói. Qatar là một trong những nhà cung cấp hàng đầu về khí tự nhiên trên thế giới.
"Chúng tôi hy vọng cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Qatar và các nước vùng Vịnh sẽ được giải quyết trong tương lai gần và sự leo thang của cuộc xung đột sẽ không diễn ra. Cần phải nhớ những mối đe dọa tiềm ẩn mà bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong khu vực có thể tạo ra và khi có những hành động không phù hợp với tình hình thực tế,” Birol kết luận.
Đọc thêm>>> Lầu Năm Góc quyết tâm lập căn cứ mới ở Syria nhằm mục đích gì?
Quốc Vinh