Say men Xuân ở cao nguyên đá Đồng Văn cùng 'vợ chờ chồng'

Say men Xuân ở cao nguyên đá Đồng Văn cùng 'vợ chờ chồng'

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 6, 10/02/2017 10:00

Đồng Văn (Hà Giang) khiến du khách thăng hoa bởi những chợ phiên mang đậm bản sắc dân tộc, những đồi hoa tam giác mạch hồng tím một góc trời và cột cờ Lũng Cú thiêng liêng khẳng định chủ quyền.

Cà phê theo phong cách cao nguyên đá

Ai từng đặt chân đến cao nguyên đá Hà Giang một lần, hẳn sẽ xiêu lòng trước vẻ đẹp thâm trầm của phố cổ nơi địa đầu Tổ quốc. Đó là quán cà phê đón khách thâu đêm trong ánh đèn vàng vọt và nhiều khi cũng là nơi trú chân của người khách phương xa lỡ bước. Đồng Văn (Hà Giang) còn khiến du khách thăng hoa bởi những chợ phiên mang đậm bản sắc dân tộc, những đồi hoa tam giác mạch hồng tím một góc trời và cả cột cờ Lũng Cú thiêng liêng khẳng định chủ quyền dân tộc.

Những dãy núi đá tai mèo đen xám, sắc nhọn từ mãi đầu huyện Quản Bạ với chiếc biển lớn ghi dòng chữ: “Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn”, đưa chúng tôi đến với Đồng Văn bằng rất nhiều những khúc cua tay áo rợn người qua huyện Yên Minh rồi vắt sang cả huyện Mèo Vạc. Phải thú thật rằng, đã đi qua khá nhiều cung đường “cân não” uốn lượn vắt qua lưng chừng núi ở nhiều vùng đất khác nhưng con đường xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn vẫn khiến cho tôi thấy choáng ngợp.

Xã hội - Say men Xuân ở cao  nguyên đá Đồng Văn cùng 'vợ chờ chồng'

 Hoa tam giác mạch là một trong những điều hấp dẫn du khách ở Hà Giang.

Cảm xúc khi ngửa mặt lên chạm núi đá tai mèo dựng đứng, cúi xuống thấy vực sâu thăm thẳm; mỗi bánh xe lăn qua đây nghe rõ từng tiếng gió rít đập vào lòng đá trơ trọi rồi rơi vào khoảng không heo hút... thật cuốn hút; sự choáng ngợp cũng xuất hiện khi bánh xe bò rì rì qua những con dốc thẳng đứng, dựng ngược tựa như đường lên trời bởi, dẫu trí tưởng tượng phong phú thế nào cũng không thể hình dung phía bên kia đỉnh dốc có gì chờ đợi.

Một trong những hình ảnh ám ảnh nhất với cá nhân tôi là gia đình nông dân người Mông đi sau con trâu cày trên ruộng đá. Tưởng như, đá tai mèo nhọn hoắt, sắc lẹm và trơ trụi là thế nhưng đấy cũng chính là nơi sự sống bền chặt qua bao năm tháng. Người cha thúc con trâu kéo cày đi trước, vợ và con theo sau tra những hạt ngô vào từng khe đất nhỏ. Rồi sau mấy tháng vun xới và chăm sóc, với đặc thù sống khỏe, cây ngô bám rễ vào đá, lớn lên trên đá và cho ra đời những chiếc bắp mẩy hạt cũng từ trong lòng đá. Sự sống mãnh liệt của cây ngô như biểu trưng sinh động cho khát khao sống mãnh liệt của con người nơi đây. Họ không quản ngại khó khăn, vượt qua khắc nghiệt của thiên nhiên để sống kiên cường giữa lòng núi đá từ bao đời cho đến nay. Rồi đến lúc ra đi, họ cũng trở về với mẹ đá yêu thương.

Không được mẹ thiên nhiên ban tặng cho đất đai màu mỡ nhưng cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng và Hà Giang nói chung lại có được sự ưu ái đặc biệt làm nên thương hiệu của riêng mình. Những chợ phiên náo nhiệt ngày cuối tuần, từng đồi hoa tam giác mạch hồng tím, con đèo Hạnh Phúc uốn lượn trên dòng Nho Quế thơ mộng hay đơn giản chỉ là tầng tầng lớp lớp núi đá tai mèo cũng đủ mang trong nó những sức hút mê hoặc lòng người. Thế nên ai đi qua thời tuổi trẻ cũng một lần mơ về núi đá nơi địa đầu Tổ quốc. Và, ai đến với Đồng Văn cũng đều thương nhớ để mong quay lại.

Quán cà phê mang tên “Phố cổ cafe” với kiến trúc độc đáo nằm ở trung tâm khu nhà cổ hàng trăm năm tuổi có lẽ là một trong những điều lưu luyến ở Đồng Văn. Màu gạch non và những chiếc bàn ghế bằng tre cùng ánh sáng từ những chiếc đèn lồng càng làm cho không gian nơi đây mang một màu sắc hoài cổ riêng biệt. Quán cà phê với những thức uống bình thường nhưng lại thấm đẫm men say của núi đồi và đá xám.

Trong không gian trong veo của núi rừng, giữa tình cảm thân thiện, chân chất của người cao nguyên đá, hương vị cà phê hòa quyện trong tiếng khèn của người Mông chất chứa cả những tâm tình và văn hóa đặc sắc nơi đây. Đặc biệt, cà phê phố cổ Đồng Văn còn là điểm hẹn của nhiều bạn trẻ. Họ say sưa hàn huyên tâm tình, thi thoảng cơn gió lạnh của độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển luồn qua khung cửa mới khiến họ giật mình với màn đêm. Nhưng rồi chợ phiên náo nức từ khi nào khiến cho khái niệm về thời gian như bị “vô hiệu hóa”.

Đắm say trong men tình chồng – vợ

Sẽ không quá lời khi nói, một trong những đặc sản của Đồng Văn chính là chợ phiên họp vào ngày Chủ nhật hàng tuần. Từ sớm tinh mơ, có khi là 3-4h sáng, người dân ở những bản làng xa nhất đã thức dậy để chuẩn bị xuống chợ. Họ mang theo bên mình có khi là những sản phẩm của nhà trồng được: Vài ba mớ rau, đôi cân củ quả, con lợn cắp nách, con gà mới ấp được lứa đầu tiên, hay thậm chí là đi người không. Bởi với người dân vùng cao nơi đây, chợ phiên không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi giao lưu văn hóa của các vùng miền, là một trung tâm vui chơi, giải trí sau những ngày làm lụng vất vả “bán mặt cho đá, bán lưng cho trời”.

Xã hội - Say men Xuân ở cao  nguyên đá Đồng Văn cùng 'vợ chờ chồng' (Hình 2).

Quán cà phê ở phố cổ Đồng Văn mang đến nhiều cảm xúc cho du khách tới đây.

Một tuần, chợ chỉ họp một lần nên họ tự cho phép mình thả lỏng bản thân trước những bộn bề công việc và sống thật hết mình. Nào thịt lợn, nào bánh tam giác mạch, nào rượu ngô, nào thổ cẩm... tất cả đều là những thứ họ tự làm ra, tự sản xuất được. Chính bởi cái chân chất của núi rừng khiến người xuôi lên đến đây thì mê đắm lắm. Chẳng mấy ai rời khỏi Đồng Văn mà không ao ước được một lần quay lại cũng vì thế.

Nhiều lần có dịp đến với chợ phiên Bắc Hà (Lào Cai), tôi đã từng rất ngạc nhiên và ấn tượng trước hình ảnh những người phụ nữ túm năm tụm ba hoặc một mình một ngựa đứng hồi lâu ở ven đường, cổng chợ. Kể cả lúc chợ phiên đã tan nhưng họ vẫn sẽ kiên trì đứng một chỗ với tâm trạng chờ đợi. Hỏi ra mới hay, đó là những phụ nữ người Mông chờ chồng uống rượu say để đưa chồng về nhà.

Ở Đồng Văn cũng vậy, người Mông sinh sống phổ biến trên các bản làng cao quanh từng núi đá. Họ cũng như người phụ nữ Mông ở nhiều vùng khác, rất khéo chiều chồng. Mỗi tuần chỉ có một buổi chợ phiên, họ ngoan ngoãn theo chồng xuống chợ vừa để sắm sửa vật dụng sinh hoạt cho cả tuần, đôi khi chỉ là chai nước mắm hay gói muối, vừa để chờ chồng say rồi dìu chồng về.

Còn gì hạnh phúc hơn khi đã chếnh choáng men say có người vợ hiền “má ấp môi kề” vẫn chờ đợi mình và ngoan ngoãn đưa mình về nhà một cách an toàn tuyệt đối. Ấy cũng chính là cách thể hiện tình nghĩa và đạo lý vợ chồng của người dân tộc Mông nơi đây. Không màu mè, phô trương bằng những bạc vàng, nhung lụa, không cầu kỳ mà đơn sơ, giản dị bằng sự quan tâm trìu mến. Với họ, chờ chồng cũng là một hạnh phúc và hạnh phúc đó mới thật bền lâu.

Một người phụ nữ trọ trẹ tiếng Kinh cứ cười mãi khi tôi hỏi về cuộc sống gia đình chị. Chị tâm sự: “Chồng là trụ cột của gia đình nên chiều được chồng mới là phụ nữ ngoan. Bao đời nay vẫn thế nên bây giờ mình cũng thế”. Chị xấu hổ và ngượng ngùng khiến tôi không kịp hỏi rõ tên, tuổi của chị. Nhưng trong nụ cười thẹn thùng ấy mới càng thêm hiểu tình nghĩa vợ chồng của những người dân nơi đây sâu đậm và thắm thiết biết nhường nào!

Và cứ thế, họ bám sâu vào lòng núi đá, sinh sống và góp phần không nhỏ giữ gìn, bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Tân, cán bộ văn hóa huyện Đồng Văn bày tỏ: “Mùa xuân, năm mới, người dân ở Đồng Văn vui xuân với rất nhiều lễ hội: Chọi dê xã Ma Lé, hội xuân khèn Mông ở xã Phố Cáo... Có rất nhiều văn hóa đặc sắc mà người dân tộc nơi đây còn giữ lại cho đến bây giờ. Việc người phụ nữ trông ngựa chờ chồng, không có một văn bản nào ghi lại cụ thể chi tiết nhưng nó là nét văn hóa đặc sắc. Người dân tộc Mông vẫn quan niệm đó là thể hiện sự yêu chồng. Bây giờ, do đời sống đã được nâng cao nên thay vì dắt ngựa, nhiều gia đình chở nhau bằng xe máy xuống chợ. Khi người chồng say, người phụ nữ có thể dừng ven đường chờ chồng ngủ một giấc tỉnh rượu rồi mới về nhà”.

Dương Thu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.