...Quá trình thực hiện chủ trương nhân đạo này đã phát sinh nhiều tiêu cực khiến thất thoát hàng trăm kg vàng. Điều khiến dư luận bàng hoàng bởi chủ mưu cầm đầu chính là Nguyễn Hữu Giộc, khi ấy là giám đốc công an tỉnh Đồng Nai. Sau ngày Giộc bị tuyên án tử hình, vụ án tiếp tục được điều tra mở rộng", TS. Dương Thanh Biểu, nguyên phó viện trưởng VKSNDTC - tác giả cuốn hồi ký "Theo dòng công lý" hồi tưởng lại về vụ án một thời gây chấn động.
Say tình, chìm vào tội ác
Những năm cuối thập kỷ 70, nhắc đến vụ án tham nhũng hàng trăm cây vàng xảy ra ở Đồng Nai nhiều người đều biết đến. Đáng nói nhất là trường hợp tham nhũng của Nguyễn Hữu Giộc (hay còn gọi là Mười Vân, Mười Giộc) - nguyên là giám đốc công an tỉnh Đồng Nai.
Thời đó, Mười Vân nổi đình nổi đám khi trở thành tình nhân của ả gián điệp Cyrnos Kim Anh - vợ bé của Tổng thống nguỵ Nguyễn Văn Thiệu. Kim Anh là người đã gây ra nhiều tội ác, tổ chức đường dây vượt biên quy mô lớn, với hàng ngàn chuyến đưa người vượt biên, thu lời hơn nửa tấn vàng.
Khi ấy, chính Mười Vân đã cùng Cyrnos Kim Anh dày công thực hiện âm mưu hãm hại nhiều cán bộ cao cấp và kết thúc bằng kế hoạch cùng nhau vượt biên sang Mỹ để sống trong "thiên đường tình ái". Ai ngờ, trong cuộc chơi nghiệt ngã đó, Kim Anh đã cao tay chiến thắng và hưởng thụ cuộc sống xa hoa ở đất khách, còn Mười Vân phải trả giá cho tội ác bằng chính mạng sống của mình.
Thời điểm đó, TS. Dương Thanh Biểu là điều tra viên cao cấp của vụ án này. Ông kể: "Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Khi ấy, Nguyễn Hữu Giộc bị truy tố với nhiều tội danh, trong đó có tội lạm dụng chức quyền và sử dụng trái nguyên tắc, pháp luật người bị giam (thả Kim Anh và nhiều tội phạm khác); tội cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án gây hậu quả nghiêm trọng (tạo chứng cứ giả để bắt oan, sai nhiều cán bộ cao cấp); tội tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép; tội tham ô tài sản XHCN (thu và chiếm đoạt 1.979 lượng vàng); tội nhận hối lộ; tội cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, chế độ, thể lệ kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản XHCN.
Với những bằng chứng không thể chối cãi, ngày 1/11/1984, bản án sơ thẩm đồng thời là chung thẩm số 01-HS/SCT đã tuyên phạt Nguyễn Hữu Giộc án tử hình, còn một số bị cáo khác bị tuyên phạt tù có thời hạn.
Sau vụ án Nguyễn Hữu Giộc một thời gian dài thì một vấn đề khiến dư luận hết sức quan tâm, đó là hàng loạt cán bộ thuộc phòng Bảo vệ chính trị công an Đồng Nai bị khởi tố và bắt tạm giam vì đã quan hệ với các phần tử xấu tổ chức nhiều chuyến trốn đi nước ngoài để thu tiền vàng nhưng chưa bị xử lý. Để đảm bảo tính khách quan, trong quá trình điều tra, ban chuyên án N2 được thành lập do đồng chí Đỗ Quang Minh, viện trưởng VKSND tỉnh Đồng Nai làm trưởng ban.
TS. Dương Thanh Biểu.
Đằng sau thỏi vàng 1kg
Một trong những nội dung liên quan đến vụ án là việc điều tra, xét hỏi làm rõ số vàng của con tàu do Mười Vân chỉ đạo công an Vũng Tàu (trước thuộc tỉnh Đồng Nai) thu và nộp cho ông, trong đó có thỏi vàng 1kg mà dư luận cho rằng Mười Vân và những người có trách nhiệm của công an Đồng Nai chưa nộp cho ngân hàng. Đây cũng là tình tiết thú vị nhất của vụ án này, trong đó một trong những nhân vật liên quan là ông Bùi Đình Kiểm, phó giám đốc công an tỉnh Đồng Nai.
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng tháng 3/1978, Mười Vân lúc đó là giám đốc công an tỉnh Đồng Nai tổ chức chuyến tàu cho người đi xuất cảnh tại Bãi Dâu (Vũng Tàu). Số vàng mà công an Vũng Tàu thu được theo kiểm kê ngày 13/3/1978 là 500 lượng, 6 chỉ, 8 phân, 6 ly, cân nặng 18kg 750. Trong đó có 1 thỏi ký hiệu 411109-9999 nặng 1kg. Ngày 21/3/1978, công an Vũng Tàu đã giao nộp số vàng của con tàu trên cho Mười Vân, giám đốc công an tỉnh Đồng Nai. Bên giao là ông Châu Phi Cơ, bà Đỗ Thị Duy và Lê Thị Sáu. Bên nhận có ông Bùi Đình Kiểm và Phạm Hùng Sơn, phó ban Thanh tra công an Đồng Nai. Số lượng như kê biên, trong đó có thỏi vàng ký hiệu 411109-9999 nặng 1kg. Sau đó, ông Kiểm đã trực tiếp giao số vàng này cho Mười Vân.
Tháng 8/1979, Mười Vân đã nộp số vàng trên cho ngân hàng có sự chứng kiến và giám sát của ông Bùi Đình Kiểm. Bản án xét xử Mười Vân trước đây khẳng định: Riêng về khoản 461kg 209 trong số vàng do Mười Vân giữ tại nhà với vợ y, thời gian hơn 6 tháng mới nộp cho ngân hàng còn bị thiếu, thì cho đến nay vẫn chưa thể làm rõ.
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Mười Vân không nhận mà đổ cho hai ông Sáu Bùi (Bùi Đình Kiểm) và Sáu Sơn (Phạm Hùng Sơn) là hai người trực tiếp giao nộp vàng cho ngân hàng tại nhà riêng của Mười Vân. Đây chính là mấu chốt của vụ án. Xin nói lại cho rõ về vấn đề này là: Mặc dù trong biên bản kiểm kê đều đúng nhưng trong quá trình điều tra, xét xử vụ án Nguyễn Hữu Giộc thì thực tế còn thiếu 1 thỏi vàng mang ký hiệu 411109-9999.
Khi nhắc đến ông Bùi Đình Kiểm, nhiều người khẳng định ông là một người lãnh đạo liêm khiết. Điều này được nhiều người khẳng định, sau khi nghỉ hưu, hai vợ chồng ông với hai người con vẫn ở trong một ngôi nhà tuềnh toàng, rách nát. Song để tìm dấu vết của vụ thất thoát 1kg vàng, ban chuyên án đã trực tiếp về nhà ông Kiểm ở thị xã Bà Rịa để tìm hiểu. Sau ngày đầu tiên tìm kiếm tài liệu không có kết quả, ngày thứ hai cán bộ trong ban chuyên án tiếp tục làm việc với ông Kiểm.
Trong đó, quan trọng nhất là xem lại giấy tờ mà ông còn lưu lại, xem có gì liên quan đến số vàng Mười Vân giao nộp cho ngân hàng hay không. Quá trình tìm kiếm trong đống sổ sách của ông, vị cán bộ trong ban chuyên án thấy một cuốn lịch tại ngày 1/8/1979 có dòng chữ viết bằng mực đã nhòe: 1kg = ½. Đây chính là thời gian mà ông Bùi Đình Kiểm cùng một số người nộp số vàng do Mười Vân cất giữ vào ngân hàng.
Giải mã những nghi vấn
Khi vị cán bộ này đưa cho ông Kiểm, thì ông không trả lời ngay mà xem rất kỹ. Ông giở từng trang một rồi lại quay lại về trang có những con số trên. Ông gật đầu: "Đúng là chữ tôi rồi. Nhưng tôi cũng không hiểu tại sao viết thế này. Để tôi nghĩ chút đã". Một tay cầm cuốn lịch, một tay ông bỗng đánh bốp vào đùi: "Thôi chết rồi các chú ơi. Bây giờ tôi mới nhớ! Lúc ông Mười Vân kêu tụi tôi đến nộp vàng cho ngân hàng, họ tiến hành căn từng mã. Đến thỏi vàng 1kg thì không cân được. Vì chiếc cân của ngân hàng lúc đó chỉ cân được mỗi mã dưới 0,5kg nên thỏi vàng ấy phải cắt ra làm đôi để cân. Vì vậy tôi mới viết 1kg = ½".
Tại cuộc họp ban chuyên án, sau khi nghe báo cáo của hai cán bộ xuống nhà ông Kiểm, đủ cơ sở để khẳng định: Số vàng thu được của con tàu là 500 lượng và đã nộp đủ cho ngân hàng. Chuyện thỏi vàng 1kg thế là xong.
Liên quan đến vụ án này, sau quá trình mở rộng điều tra, đến ngày 20/12/1988, TAND Đồng Nai đã xử phạt nhiều cán bộ khác về tội: Tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN, nhận hối lộ và tổ chức cho người trốn ra nước ngoài. Một số bị cáo khác cũng nhận các bản án nghiêm khắc về tội che giấu tội phạm... Chuyên án kết thúc.
Hiện TS. Dương Thanh Biểu đang phải điều trị bệnh tại Singapore tuy nhiên ông vẫn tham gia, tư vấn về công tác tố tụng lúc về nước. Khi rảnh rỗi ông lại say mê đọc lại những trang nhật ký, những bài báo, tài liệu về các vụ án vang động một thời để suy ngẫm về thời cuộc. Đây là cách để ông trải lòng với quá khứ đã qua, để nhớ về đồng đội, những người vẫn được ông thầm gọi khi nỗi nhớ lại dâng lên. Đồng thời, đây cũng là dịp để tri ân với bạn bè, đồng nghiệp đã gắn bó với cuộc đời mình trong những thời đoạn lịch sử đầy biến động.
Phiên tòa xét xử Mười Giộc tại hội trường lớn tỉnh Đồng Nai là một phiên tòa lịch sử của ngành tòa án Việt Nam do Phó Chánh tòa Phúc thẩm TANDTC Phạm Như Phấn làm chủ tọa. Trước tòa, Giộc vẫn ngoan cố nói: "Chỉ khi nào giải phóng khỏi nước Mỹ, lấy hồ sơ Năm Trang, Ba Lan xem mới thấy họ làm cho CIA". Liên quan đến Nguyễn Văn Sang (H20), tòa đưa lên công đường, Giộc tái mét không còn hột máu trên mặt. Sang khai bị Giộc bắt đánh đập ép cung nhiều lần, ép khai hồ sơ giả mới để yên cho vợ và 8 người con nhỏ dại. Nếu nghe lời Giộc, vợ con được sống sung sướng, được cấp xe hơi cho chạy, nếu cãi lời sẽ giam và giết hết. Lời khai của Sang đã khiến Giộc không nói được thêm một lời nào nữa. Sau 3 ngày xét xử, tòa tuyên án tử hình Nguyễn Hữu Giộc. Vụ án kết thúc trong niềm vui khôn tả của hàng ngàn người dân, đặc biệt là những người từng phải chết oan, tù tội và nhục hình do Mười Giộc gây ra. |
Cao Tuân