SDF diệt sạch IS ở Raqqa: Mỹ đừng mừng vội

SDF diệt sạch IS ở Raqqa: Mỹ đừng mừng vội

Trần Danh Tuyên

Trần Danh Tuyên

Thứ 4, 18/10/2017 16:32

Thất bại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại “Thủ đô” Raqqa (Syria) là một tin mừng nhưng điều đó chưa thể khiến Washington an tâm.

Hôm 17/10, hãng thông tấn AP dẫn lời Chuẩn tướng Talal Sillo, người phát ngôn Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho hay, họ đã giải phóng thành phố Raqqa, nơi từng được coi là “Thủ đô” của tổ chức  Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria.

SDF là lực lượng “đối lập ôn hòa” do Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến tại Syria. SDF đã giơ cao ngọn cờ chiến thắng tại thành trì của IS sau 4 tháng chiến đấu.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã giành quyền kiểm soát Raqqa từ tháng 1/2014 sau khi đánh bại các nhóm đối lập khác, hướng tới mục tiêu lật đổ sự lãnh đạo của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Thế giới - SDF diệt sạch IS ở Raqqa: Mỹ đừng mừng vội

Phát ngôn viên Lực lượng Dân chủ Syria, Chuẩn tướng Talal Sillo. 

 

SDF “quét sạch” IS khỏi chiến trường khốc liệt Raqqa được coi là một tín hiệu đáng mừng cho nhiều bên liên quan trong cuộc chiến. Tuy nhiên, Washington chưa thể an tâm bởi đó có thể chỉ là dấu hiệu khởi đầu cho những thách thức lớn hơn mà Lầu Năm Góc sẽ phải đối mặt trong thời gian tới.

Nhà Trắng sẽ tiếp tục phải ngăn chặn sự nổi dậy của các phần tử khủng bố và các nhóm chiến binh ở khu vực, cũng như tìm cách duy trì ổn định ở thành phố Raqqa trong khi Washington đang cảm thấy khó khăn trong quá trình định nghĩa một chiến lược toàn diện tại Syria.

“Dù tái chiếm Raqqa mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn, nhưng đó là một chiến thắng khiến người ta phải trả giá đắt”, ông Bilal Saab, một nhà nghiên cứu cao cấp tại viện Trung Đông, nhận xét.

Theo ông, việc giải quyết các bất bình của người Hồi giáo dòng Sunni về vấn đề kinh tế, chính trị sau chiến thắng tại Raqqa cũng quan trọng không kém việc diệt sạch IS bằng biện pháp quân sự.

Thế giới - SDF diệt sạch IS ở Raqqa: Mỹ đừng mừng vội (Hình 2).

Sân vận động Raqqa, nơi IS trấn giữ trước khi bị đánh bật khỏi thành phố này.

 

Raqqa là thành phố lớn đầu tiên mà IS chiếm được tại Syria trước khi chúng tiến hành một loạt các đợt đột kích khác tại Iraq và Syria, khiến hàng triệu người dân lâm vào cảnh khốn khổ khi phải chịu sự thống trị của tổ chức khủng bố này. Nhóm IS còn ban hành các đạo luật, thậm chí phát hành hộ chiếu và tiền tệ.

Tuy nhiên, tới năm nay, IS đã mất quyền kiểm soát với hầu hết các khu vực lãnh thổ tại Iraq và Syria, trong đó có vùng đất giá trị nhất: Thành phố Mosul của Iraq. Tại Syria, lực lượng khủng bố này đang bị ép vào khu vực thung lũng Euphrates và vùng sa mạc xung quanh.

Các chuyên gia nghiên cứu Trung Đông cho hay, những vấn đề đặt ra đối với Washington sau khi IS bị đánh bại tại Raqqa bao gồm việc tìm nguồn tiền giúp tái thiết một thành phố tan hoang và làm thế nào hỗ trợ chính quyền địa phương non nớt phải đối mặt với các lực lượng nổi dậy; đồng thời khiến ông Assad, vốn được Nga và Iran hỗ trợ, phải từ bỏ quyền lực.

“Một thách thức thực tế khác là IS sẽ trở thành bóng ma báo thù, lén lút theo dõi, phá hoại nền an ninh và chính quyền hậu chiến, một cách chọc phá Mỹ và các đối tác”, ông Nick Heras từ trung tâm Tân An ninh Mỹ, nhận xét.

Một quan chức bộ Ngoại giao Mỹ cho hay Washington duy trì cam kết với tiến trình hòa bình Geneva và ủng hộ “tới mức tối đa với các nhóm đại diện Syria trong các cuộc thảo luận này”.

Vị quan chức trên nói thêm, Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục viện trợ nhân đạo, hỗ trợ những nỗ lực ổn định khu vực đã được giải phóng khỏi IS, gồm việc dò phá bom mìn, các thiết bị nổ, tái thiết lập trường học và các dịch vụ căn bản khác.

Cũng theo quan chức ngoại giao Mỹ trên, mục tiêu của Washington còn có “hỗ trợ các tổ chức chính quyền địa phương đại diện cho khu vực là những người có tín nhiệm với nhân dân”.

Thế giới - SDF diệt sạch IS ở Raqqa: Mỹ đừng mừng vội (Hình 3).

Raqqa hoang tàn sau cuộc chiến.

 

IS tràn vào Syria và hoành hành tại quốc gia Trung Đông này từ năm 2011. Tới năm 2015, chính quyền Tổng thống Assad đã yêu cầu Nga bước chân vào cuộc chiến nhằm hỗ trợ tiêu diệt khủng bố.

“Thách thức lớn nhất với Raqqa và các đối tác Syria đang cố gắng xây dựng lại Raqqa là sự mơ hồ của chính quyền Donald Trump trong chính sách Syria”, ông Nick Heras nói.

“Tín hiệu cần phát đi là Mỹ có ý định duy trì lực lượng ở khu vực đã chiếm được từ tay IS nhằm gìn giữ sự ổn định tại đây. Ở một bối cảnh rộng hơn, Washington không muốn Iran tái chiếm vùng đất đó dưới danh nghĩa Assad”, chuyên gia phân tích.

Nhiều nhà phân tích nói Mỹ không có một chiến lược bền bỉ nhằm ổn định khu vực, không màng tới việc hồi sinh các cuộc đàm phán của Liên Hợp Quốc tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc chiến.

“Chúng tôi đã chiếm giữ rồi mất nhiều thành phố trước đó. Chiến thắng lần này (ở Raqqa) cho thấy (Mỹ) cần phải có chiến lược toàn diện ở Syria”, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ Ben Sasse cho hay. Ông nhận xét, sự ảnh hưởng của Mỹ tại Syria là quá nhỏ, không đủ để thiết lập những sự kiện đàm phán cho hòa bình tại Syria.

“Sự đầu tư của chúng tôi (Mỹ) từ trước tới nay và trong cả tương lai sẽ luôn hạn chế. Chúng tôi đã nhường đất diễn cho Nga và Iran nên bây giờ đã quá muộn (để Mỹ bước vào). Đối với chúng tôi, để đạt được hiệu quả, phải có sự đầu tư”, ông Saab từ viện Trung Đông kết luận.

Xem thêm: Syria: Cuộc chiến khốc liệt và trận đánh giải phóng Raqqa

D.T

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.