Ngày 28/6, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM đã làm việc với các KCN-KCX và các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố về vấn đề khai thác nước ngầm.
Sử dụng nước sông
Theo ông Nguyễn Văn Ngà, trưởng Phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản, Sở TN-MT, thống kê chưa đầy đủ cho thấy có khoảng 46 đơn vị (công ty hạ tầng và DN) thuộc 8 KCX-KCN trên địa bàn TP HCM được cấp phép khai thác nước ngầm với lưu lượng 34.270 m3/ngày đêm. Trong đó, các KCN Vĩnh Lộc, Tân Thới Hiệp, Linh Trung 1 và 2 do Bộ TN-TM cấp phép(vì lưu lượng khai thác trên 3.000 m3/ngày đêm).
Theo quy hoạch cấp nước TP HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thành phố chủ yếu khai thác và sử dụng nước từ hệ thống sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, hạn chế khai thác nước ngầm. Cụ thể, đến năm 2025, lượng nước ngầm cho phép khai thác toàn TP HCM là 100.000 m3/ngày đêm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở TN-MT đang phối hợp với Liên đoàn Quy hoạch – Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Bộ TN-MT) thực hiện bản đồ khoanh vùng cấm và hạn chế khai thác nước ngầm, với 3 mốc thời gian: Đến năm 2015, không khai thác nước ngầm ở 13 quận nội thành cũ và KCN Vĩnh Lộc, KCN Tân Tạo. Năm 2016-2020, không khai thác nước ngầm các quận – huyện còn lại (trừ quận 12, huyện Hóc Môn và Củ Chi), KCN Tân Bình, Bình Chiểu, Linh Trung 1 và 2. Từ năm 2021-2025, cấm khai thác nước ngầm quận 12, KCN Tân Thới Hiệp và KCN Tân Phú Trung.
Hạn chế, không nên cấm
Đại diện một DN trong KCN Vĩnh Lộc tỏ ra lo lắng nếu lộ trình được thông qua, chỉ còn 2 năm nữa thì KCN này sẽ bị cấm khai thác nước ngầm. Liệu khi đó, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn có cung cấp đến và đủ cho KCN này?
Đây cũng là vấn đề được tất cả DN quan tâm và kiến nghị giãn lộ trình sau năm 2015, đồng thời không nên cấm hẳn mà chỉ hạn chế việc khai thác nước ngầm. Theo đại diện KCN Tân Bình, chưa nói độ “phủ sóng” chưa đầy đủ cả TP HCM, chất lượng nước của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn hiện chưa ổn định. Liệu tổng công ty có bảo đảm hoàn toàn cung cấp nước đủ lượng – chất cho các đơn vị sản xuất và có hợp đồng chịu trách nhiệm bồi thường nếu xảy ra tổn thất do nguồn nước không bảo đảm?
Trong khi đó, đại diện KCX Linh Trung nêu trường hợp thi công bất ngờ, cúp nước lâu mà các công ty cấp nước không báo kịp với DN hoặc những trường hợp khẩn như chữa cháy, nguồn nước ngầm là rất quan trọng. Bên cạnh đó, một số ngành nghề sản xuất chỉ cần nguồn nước thô, nếu sử dụng nguồn nước cấp (đạt chuẩn sinh hoạt, ăn uống…) thì quá lãng phí, giá cũng không rẻ nên sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng lên 6-7 lần.
Đại diện KCN Vĩnh Lộc cho biết giấy phép đầu tư KCN này được cơ quan chức năng cấp thể hiện rõ: 5 năm đầu sử dụng nguồn nước ngầm, sau đó sẽ sử dụng nguồn nước cấp từ TP HCM. Thế nhưng, KCN hoạt động đã hơn 16 năm, nguồn nước cấp vẫn chưa về đến. Công ty hạ tầng đã đầu tư 5 trạm cấp nước với công suất
12.500 m3/ngày đêm nhưng chỉ cấp 5.000 m3/ngày đêm. Lượng nước dư đủ để cấp cho 3 DN trong KCN được sở cấp phép khai thác nước ngầm riêng. Nước cấp của KCN Vĩnh Lộc chia thành 2 loại: Nước thô (giá 4.000 đồng/m3) và nước sạch đã qua xử lý đáp ứng theo nhu cầu của các DN.
“Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn có nguồn nước thô để cung cấp không? Nếu cấm khai thác nước ngầm, công ty hạ tầng có được tính lại chi phí đầu tư? Giải quyết được 2 vấn đề trên, chúng tôi sẽ chấp hành” – đại diện KCN Vĩnh Lộc nói.
Sử dụng đa nguồn nước Theo ông Nguyễn Hoài Nam, phó giám đốc Sở TN-MT TPHCM, việc khai thác nước ngầm hiện nay đang gây nhiều tác động xấu: Sụt lún đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt…TP HCM có 6 tháng mưa và nhiều DN có mặt bằng rộng nhưng không tận dụng nguồn nước này để sản xuất. Việc cấm khai thác nước ngầm là để bảo vệ tài nguyên và hướng DN đến việc sử dụng kết hợp nhiều nguồn nước thay thế. “Việc hạn chế và cấm khai thác nước ngầm thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Nguyên tắc xây dựng bản đồ khoanh vùng cấm – hạn chế khai thác nước ngầm dựa trên khả năng của các nguồn cung cấp nước khác. Để thực hiện được lộ trình, còn rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Vì thế, Sở TN-MT sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đợt lấy ý kiến để bổ sung, hoàn chỉnh bản đồ trình lên UBND TP HCM” – ông Nam cho biết. |
Theo Người lao động