Cơ quan tiến hành tố tụng chỉ "thích luật sư chỉ định"?
Nhiều luật sư cho rằng, các luật sư Việt Nam hiện chưa được tạo điều kiện thuận lợi, thậm chí bị cản trở, bị gây khó khăn trong hoạt động bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Xin ông cho biết quan điểm của mình về nhận định này?
Việc luật sư bị cản trở, gây khó khăn trong hoạt động bào chữa đã giảm nhiều từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện cải cách tư pháp. Tuy nhiên, hiện tượng này hiện vẫn còn, ảnh hưởng đến việc hành nghề hợp pháp của luật sư, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Trong thực tế, luật sư được cấp Giấy chứng nhận người bào chữa trong thời hạn 03 ngày như pháp luật quy định là rất hiếm. Chỉ những trường hợp luật sư được chỉ định theo đề nghị của cơ quan điều tra thì việc cấp Giấy chứng nhận người bào chữa mới thuận lợi. Có những vụ án, trước khi bị khởi tố, nghi can đã ký hợp đồng dịch vụ pháp lý, viết sẵn giấy yêu cầu luật sư bào chữa cho họ, nhưng khi họ bị khởi tố, bắt tạm giam, cán bộ điều tra cho luật sư biết bị can này từ chối luật sư. Đến khi kết thúc điều tra, bị can này lại không chối nữa, mà tha thiết mời luật sư bào chữa cho mình.
Luật sư Chiến tham gia bào chữa trong một phiên tòa ở Tuyên Quang.
Theo ông, cần làm gì để hạn chế, tiến tới triệt tiêu hiện tượng này?
Hiện tượng này có nhiều nguyên nhân. Hệ thống pháp luật của ta quy định về vấn đề này còn thiếu, quá chung chung, không cụ thể. Giữa luật và văn bản hướng dẫn luật còn nhiều điểm không thống nhất. Một số cán bộ tiến hành tố tụng có những cách hiểu và vận dụng văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Đấy là chưa kể vẫn có số ít cán bộ tiến hành tố tụng chưa tôn trọng các quyền cơ bản của con người và công dân đã được hiến định và luật định.
Để hạn chế, tiến tới triệt tiêu hiện tượng này, theo tôi, các cơ quan đại diện của nhân dân như Quốc hội, HĐND các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, lắng nghe và tạo điều kiện để giải quyết những bức xúc, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của các luật sư. Bên cạnh đó, là vai trò quan trọng của các cơ quan công luận. Thời gian qua, những vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực này đã được công luận kịp thời phản ánh, góp phần nâng cao vị thế của giới luật sư trong xã hội.
Nếu được góp ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, ông sẽ kiến nghị gì?
Cần phải có cơ chế, có chế định để bảo đảm quyền của luật sư và của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại và những cá nhân, tổ chức tham gia tố tụng khác. Muốn vậy, hệ thống lập pháp của ta cần sớm sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, và các văn bản pháp quy liên quan, tạo cơ sở hành lang pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới và phát triển nghề luật sư, phù hợp lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của bộ Chính trị.
Việc sửa đổi luật phải tạo ra được một cơ chế bảo đảm cho luật sư tham gia các hoạt động tố tụng ngay tại giai đoạn điều tra và truy tố. Trước mắt, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự cần xây dựng một chương riêng nhằm bảo đảm quyền bào chữa, bảo vệ và đại diện của luật sư, cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của luật sư trong quá trình tham gia tố tụng và thực hiện tranh tụng tại phiên tòa.
Chế định luật Luật sư có liên quan mật thiết với các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, do đó khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, như Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư Việt Nam...
Cần một “hành lang” mới trong tố tụng
Nhưng luật sư chỉ là một trong những người tham gia tố tụng. Vì thế Bộ luật Tố tụng Hình sự không thể quá ưu ái một đối tượng?
Bảo đảm quyền của luật sư chính là bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, rộng ra là bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Bên cạnh chương mới về luật sư, tôi cho rằng Bộ luật Tố tụng Hình sự cần bổ sung một số quy định như: Quyền yêu cầu giám định độc lập của bị can, bị cáo và của luật sư; thủ tục mở phiên họp giải quyết yêu cầu của các bên tham gia tranh tụng trước khi mở phiên tòa công khai; quy định chủ thể xét hỏi là đại diện VKS; quy định phạm vi, trình tự và cách thức tiến hành xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa...
Trong hoạt động Tố tụng Hình sự, theo ông, luật sư cần phải làm những gì thay vì chỉ nhăm nhăm bảo vệ quyền lợi của thân chủ?
Hiện nay vẫn còn tồn tại những cách nhìn sai lệch về vị trí, vai trò của luật sư, nhưng trên thực tế, có rất nhiều vụ án trong thời gian qua đã minh chứng rằng, sự có mặt của luật sư trong các hoạt động tố tụng không hề gây cản trở cho hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng, mà ngược lại, họ giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng nhìn nhận vụ án một cách khách quan, đầy đủ và toàn diện hơn.
Xin cảm ơn luật sư!
Kim Ngân (thực hiện)