Bát nháo thị trường sách
Hiện nay có một nghịch lý đang tồn tại, sách bị cấm thì người mua "săn" nhiều nhất. Cuốn sách A bị thông báo cấm là ngay lập tức nó bán chạy như tôm tươi. Điển hình cho những cuốn sách đã từng bị cấm đó là Sợi xích (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Lê Kiều Như, cuốn sách tranh Sát thủ đầu mưng mủ (NXB Mỹ thuật) của họa sĩ Nguyễn Thành Phong...
Sách lậu tại một xưởng in gia công. (Ảnh minh họa)
Điều đáng bàn, khi vừa có lệnh cấm là các đầu nậu coi đó là cơ hội béo bở để kiếm tiền. Thực tế, cơ quan chức năng có đi kiểm tra các cửa hàng bán sách thì cũng khó để bắt quả tang việc bán sách cấm bởi các chiêu giấu hàng của các chủ nhà sách. Hơn nữa, mức phạt hành chính đối với hành vi bán một hai cuốn sách cấm cũng chẳng thấm tháp vào đâu.
Theo quan sát của PV, trên các kệ sách ở Hà Nội thì có thể thấy, những sách được coi là định hướng thẩm mỹ, giáo dục nhân cách có nhiều vấn đề cần bàn. Rất nhiều cuốn sách dành cho tuổi mới lớn, hoặc lứa tuổi học trò có biểu hiện lệch lạc.
Chị Bùi Thu Trang (Phương Mai, Hà Nội) băn khoăn: "Sách đã được in xong và phát hành sau đó mới có lệnh cấm đã lộ rõ công tác kiểm duyệt sách ẩu trước khi in và công tác hậu kiểm là có vấn đề!? Sách có nội dung không lành mạnh phải cấm là chuyện đương nhiên. Song thực tế có không ít cuốn sách đang lưu hành, thậm chí sách mang tính chất giáo dục cũng có những nội dung khiến người đọc phải... giật mình".
Chị Trang bức xúc nói: "Tôi đã xem cuốn sách "Học sinh cười", được một đơn vị phát hành uy tín là NXB Văn học ấn hành. Tuy nhiên, khi đọc nội dung cuốn sách, tôi cũng không thể tin vào mắt mình, những nội dung dành cho thiếu nhi trong cuốn sách nhưng khiến người lớn phải đỏ mặt vì những liên tưởng rất tục tĩu. Trong truyện có cuộc đối thoại giữa Tý và cô giáo, trong đó cô giáo đã đưa ra những câu hỏi: "Ở nơi đâu lông của đàn bà quăn nhiều nhất?"; "Cái gì mềm mềm nhưng khi vào tay cô một hồi thì cứng ra?". Tôi phát hoảng về tính "giáo dục" của những câu chuyện".
Theo nhận định của các chuyên gia, để ngăn chặn sách cấm thì trước hết khâu biên tập, duyệt in cần phải được làm một cách cẩn trọng và bài bản. Nhưng thực tế với mô hình liên kết xuất bản giữa các công ty sách, nhà sách với các nhà xuất bản như hiện nay đã tạo ra một lỗ hổng lớn để sách chất lượng kém xuất hiện trên thị trường.
Theo tin từ cục Xuất bản, bộ Thông tin - Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2012, Cục đã xử lý 49 đầu sách vi phạm nội dung. Trong đó có những nội dung về vấn đề lịch sử nhưng không được biên tập, thẩm định kỹ đã dẫn đến sai sót số liệu, sự kiện và nhân vật lịch sử; sách có nội dung về vấn đề tôn giáo, nhưng không được biên tập kỹ gây hoang mang cho bạn đọc và dư luận. Đa số các sách này là sách liên kết, trong đó nhiều cuốn được in lậu tại nước ngoài rồi tuồn về Việt Nam tiêu thụ. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mang tên sách cấm, sách lậu.
Siết hoạt động liên kết xuất bản
Trước thực trạng thị trường sách bát nháo hiện nay, phiên thảo luận tại hội trường về luật Xuất bản ngày 27/10, Quốc hội đã bàn về việc nới quy định, mở rộng sự tham gia của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động xuất bản cũng như giải pháp buộc trách nhiệm các bên trong quá trình liên kết xuất bản.
Theo dự thảo luật, đối tượng được thành lập nhà xuất bản là cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị cấp trung ương và cấp tỉnh; tổ chức chính trị - xã hội cấp trung ương và cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập cấp trung ương và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp cấp trung ương trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm. Để một nhà xuất bản ra đời và hoạt động, dự luật quy định cơ quan chủ quản có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển mạng nhà xuất bản; có người đủ tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo nhà xuất bản và có ít nhất 5 biên tập viên; có trụ sở hoạt động, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết khác...
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, với các điều kiện như trên dễ gây ra sự nở rộ thành lập các nhà xuất bản, khi các điều khoản quy định chưa chặt chẽ, đặc biệt là quy định chung chung về tiêu chuẩn của biên tập viên nhà xuất bản. Đại biểu nêu thực tế, có nhà xuất bản chỉ tồn tại nhờ bán giấy phép xuất bản cho các đối tác liên kết, có nhà xuất bản sở hữu từ 70- 90% sản phẩm xuất bản liên kết. Do vậy, khi thành lập nhà xuất bản dễ dàng nhưng việc kiểm soát hoạt động không kịp thời, dễ gây ra lãng phí. Hiện cả nước có 64 nhà xuất bản, đa phần do Nhà nước bao cấp nhưng mỗi năm chỉ đạt doanh thu hơn 40 tỷ đồng.
Theo ĐBQH Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) thì "hiện nay, tình trạng liên kết xuất bản diễn ra tràn lan, nhiều trường hợp cơ quan quản lý Nhà nước và nhà xuất bản tham gia liên kết không nắm được nội dung ấn phẩm. Cần quy định rõ trách nhiệm của tổng giám đốc nhà xuất bản trong việc liên kết xuất bản để hạn chế tình trạng liên kết xuất bản lộn xộn như hiện nay".
Đồng tình với quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Trung Thu (Long An) cũng cho rằng chính tình trạng "khoán trắng" cho đối tác liên kết xuất bản như hiện nay đã gây ra in lậu và không kiểm soát được về mặt chất lượng các xuất bản phẩm.
Trao đổi với PV, ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cho biết: "Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhận thấy theo quy định của luật Xuất bản hiện hành, khâu biên tập chủ yếu vẫn thuộc trách nhiệm của nhà xuất bản. Nhưng trên thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, mà thường là thiếu sự thẩm định nghiêm túc.
Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm. UBTVQH cho rằng, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển các hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận để quản lý chặt chẽ hơn một hình thức liên kết xuất bản mới (mà trên thực tế đã hình thành một cách tự phát), trong đó đối tác liên kết được thực hiện một số công đoạn ban đầu của khâu biên tập (biên tập sơ bộ) bản thảo và do đó phải cùng với nhà xuất bản chịu trách nhiệm trước pháp luật và xã hội về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm, còn nhà xuất bản đảm nhận trách nhiệm biên tập hoàn chỉnh, thẩm định nội dung văn hóa, tư tưởng và quyết định xuất bản xuất bản phẩm. Theo tinh thần đó, cơ sở liên kết xuất bản phải có đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chịu trách nhiệm pháp lý về hoạt động liên kết của mình".
Ngân Giang