PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Nương- Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội xung quanh nội dung này.
"Không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai"
Thưa bà, tại sao phải bỏ phiếu tín nhiệm?
Việc bỏ phiếu tín nhiệm trong các trường hợp (như dự thảo) có thể hiểu là tín nhiệm của chức danh này suy giảm, có nguyên nhân từ yếu kém trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ hoặc đạo đức lối sống. Bỏ phiếu tín nhiệm là một quy định mang tính tích cực, nó góp phần tạo thế năng động cho những người nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước luôn luôn phải phấn đấu làm cho cơ quan mình thường xuyên hoàn thành ngày càng tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường
Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu và phê chuẩn được thể hiện ra sao, thưa bà?
Dự thảo qui định người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội hoặc HĐND mà có trên 2/3 tổng số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoặc đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực HĐND trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm mà không cần chờ kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ hai; đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền chuẩn bị nhân sự thay thế...
Có ý kiến đề nghị chỉ nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hai lần trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, HĐND, vì thời gian một năm là quá ngắn, chưa đủ để người giữ chức vụ (nhất là đối với những người vừa nhậm chức) thể hiện được khả năng của mình. Bà nghĩ sao về điều này?
Tính về thời gian quả rất ngắn, nhưng đối với quá trình công tác của cán bộ thì một năm rất có ý nghĩa, không thể nói là quá ngắn nên không bộc lộ hết năng lực được.
Dự thảo Nghị quyết quy định có 4 mức trên phiếu lấy tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là tín nhiệm cao, tín nhiệm trung bình, tín nhiệm thấp và chưa có ý kiến. Việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm sẽ làm cho những người giữ chức vụ phải nỗ lực, phát huy trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời, cũng để các cơ quan có thẩm quyền kịp thời xem xét, điều chỉnh việc bố trí cán bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.
ĐBQH Dương Trung Quốc
Dân chủ, công bằng, công khai, khách quan
Công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bà có cho rằng việc này là cần thiết?
Trong Đề án chúng tôi đã nêu rất rõ, giai đoạn lấy phiếu tôi nghĩ là nên công khai, minh bạch. Bây giờ, chúng ta thăm dò xem những người được Quốc hội bầu, HĐND phê chuẩn đạt mức độ tín nhiệm thế nào, cao hay thấp. Còn việc cho rằng, nếu mở rộng phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ dàn trải, hình thức, cơ quan thẩm tra cũng có lý của họ. Vấn đề này phải để cho các ĐBQH thảo luận thật kỹ lưỡng.
Quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được thực hiện một cách dân chủ, công bằng, công khai, khách quan, có cơ sở pháp lý bảo đảm hoạt động bình thường của bộ máy Nhà nước ở Trung ương và địa phương, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
Vậy những người mà năng lực, trình độ chưa tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được giao thì sao, thưa bà?
Bên cạnh việc áp dụng các biện pháp xử lý như bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, dự thảo Nghị quyết cũng quy định người mà năng lực, trình độ chưa tương xứng với vị trí, nhiệm vụ được giao cũng như không đạt sự tín nhiệm của đại biểu thì có thể tự nguyện từ chức. Quy định này sẽ góp phần bảo đảm thực hiện tốt hơn công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước.
Theo bà có nên xét đến cả việc bỏ phiếu tín nhiệm bất thường?
Trong mục về bỏ phiếu tín nhiệm có 4 trường hợp: 1. UBTVQH tự mình theo Luật, bất kỳ lúc nào thấy một vị trí lãnh đạo nào cần phải xem xét, thì có quyền đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. 2. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội có quyền đề xuất đưa bất kỳ một vị trí nào trong những người mình bầu, mà cảm thấy không đủ tín nhiệm để đưa ra Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. 3. Đủ 20% đại biểu Quốc hội nhất trí cũng có quyền đề xuất. 4. Cuối cùng mới là việc lấy phiếu tín nhiệm như đã nêu trên.
Liệu dự thảo có giải quyết được tình trạng cả nể xuê xoa, không thể hiện chính kiến đối với các chức danh mà lẽ ra phải đưa ra bỏ phiếu?
Ba yếu tố đã được xây dựng trong dự thảo để tránh nể nang là đã xây dựng theo hướng yêu cầu công bằng, công tâm, công khai, minh bạch trong lấy phiếu, bỏ phiếu. Hơn nữa, đây là quyết định tập thể. Nếu tín nhiệm không quá bán thì mới bỏ phiếu, như thế tức là tập thể đã không tín nhiệm.
Phiên chất vấn ở Quốc hội, HĐND có thể được coi là một kênh thông tin để đánh giá tín nhiệm của người giữ chức vụ, thưa bà?
Hoàn toàn được, bởi vì việc chất vấn chính là giám sát. ĐBQH, HĐND qua đó có thể thấy rõ hiệu quả làm việc của người được chất vấn, họ có hoàn thành chức trách hay không. Cũng có thể chất vấn trực tiếp, giám sát, xử lý thông tin từ cử tri,... đều là kênh thông tin tốt cho ĐBQH, HĐND xem xét bỏ phiếu tín nhiệm.
Xin cảm ơn bà!
Cần để người dân có điều kiện giám sát tốt nhất "Điều tôi băn khoăn nhất không phải về phía vấn đề thủ tục mà là chất lượng của chính các ĐBQH. Người ĐBQH phải khách quan, đủ năng lực để có thể đưa ra những quyết định phù hợp lòng dân, nhất là cử tri của mình. Thế nhưng, với quy định bỏ phiếu kín, người dân sẽ không giám sát được vị đại biểu mình bầu ra có thái độ cụ thể như thế nào. Tôi thấy ở nhiều nước, một trong những yếu tố người ta quan tâm là bên cạnh Quốc hội thì phải có những điều kiện để người dân giám sát ĐBQH của mình. Chẳng hạn trừ lúc bỏ phiếu kín thì tất cả tính danh của ĐBQH và thái độ của họ được công khai trên màn hình, trong hồ sơ mà người dân hoàn toàn có thể tiếp xúc được. Từ đó, họ sẽ quyết định có tiếp tục tín nhiệm ĐBQH đó ở kỳ sau hay không". (ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) |
Giang- Phương (ghi)