Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tham gia phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tại UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Theo báo cáo của Bộ VH-TT&DL về việc phong tặng danh hiệu, giải thưởng cho nghệ sĩ, đến nay đã có 6 đợt phong tặng với 190 nghệ sĩ nhân dân, 1.580 nghệ sĩ ưu tú, 26 giải thưởng Hồ Chí Minh và 125 giải thưởng nhà nước trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.
Nghệ sĩ hài Văn Hiệp giã từ cuộc đời khi chưa được phong tặng bất cứ danh hiệu nào
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (ủy viên UB Pháp luật) cũng đặt vấn đề, đã đến lúc việc xét tặng danh hiệu “không nên quá phụ thuộc vào việc báo cáo của người được xét tặng vì không phải ai cũng chịu khó, thiết tha việc làm báo cáo nên dẫn đến việc mất công bằng và không thực chất”.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân trần về quy định chung đối với việc phong tặng danh hiệu, trao giải. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cũng thông tin thêm, ngoài các trường hợp phong tặng theo quy định thông thường, Bộ VH-TT&DL đang xem xét những trường hợp cần có đặc cách.
Cụ thể, Bộ đã có văn bản đề nghị Ban thi đua khen thưởng TƯ xét tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú đối với cố nghệ sĩ Văn Hiệp và danh hiệu nghệ sĩ nhân dân đối với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu.
“Tất nhiên cũng không thể xét đặc cách quá nhiều vì cũng có những trường hợp được Nhà nước phong tặng mà họ lại không nhận” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trao đổi.
Về vấn đề cấp phép biểu diễn, kết quả giám sát của UB Văn hóa, giáo dục cho thấy nhiều bất cập. Theo quy định, các chương trình biểu diễn nghệ thuật phải được duyệt trước khi cấp giấy phép công diễn. Hội đồng nghệ thuật sẽ duyệt chương trình trên cơ sở buổi tổng duyệt tổ chức như biểu diễn chính thức. Điều này được chỉ rõ là gây tốn kém cho đơn vị tổ chức vì phải thêm một lần nữa tiền thuê sân khấu, chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, lo chi phí đi lại, lưu trú cho nghệ sĩ… trong khi các “sao” lớn, có nhiều sô diễn thường cũng không có mặt trong buổi tổng duyệt này.
Ngoài ra, yêu cầu duyệt, tổng duyệt chương trình cũng gây ảnh hưởng đến việc bán vé, quảng cáo vì theo nguyên tắc, phải có giấy phép công diễn mới được quảng cáo, bán vé.
Cơ quan giám sát nêu thực tế, tại các thành phố lớn, như TPHCM, mỗi năm có đến 400 chương trình biểu diễn nghệ thuật, trong đó có trên 300 chương trình ca múa nhạc, thời trang nhưng chỉ khoảng 70 chương trình được duyệt trực tiếp trước khi công diễn. Quy định xét duyệt, cấp phép… vì vậy cũng trở nên hình thức.
Liên quan đến vấn đề quản lý hoạt động biểu diễn, nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng VH-TT&DL về những sai phạm khác ngoài việc biểu diễn “chui”, không có giấy phép như biểu diện không đúng chương trình, làm giả hợp đồng, tổ chức biểu diễn thiếu tính thẩm mỹ, phản cảm, hát nhép…
Có đại biểu còn đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý khi liên tiếp để xảy ra tình trạng giới showbiz ăn mặc hở hang, trang phục xuyên thấu tới các sự kiện, điển hình là vụ việc của người mẫu Diệp Lâm Anh, Hồng Quế…
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân trần, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc nói trên cũng một phần do sơ suất trong quá trình cấp phép. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều đơn vị tổ chức đã bị buộc phải xử lý kiểm điểm nghiêm túc.
Ông Tuấn Anh cũng hứa, tới đây ngành văn hóa sẽ tổng kết về vấn đề giáo dục đạo đức cho người mẫu, diễn viên vẫn phải được làm thường xuyên cùng với các chế tài xử lý.
Theo Dân trí