Chế độ đãi ngộ được triển khai kịp thời
Ngày 14/3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” làm việc với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan.
Báo cáo với đoàn giám sát, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về y tế cơ sở tương đối đầy đủ, các văn bản được ban hành đã bảo đảm tính phù hợp, khả thi và đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, xây dựng đúng thời gian, kịp thời để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Các chính sách về y tế cơ sở liên quan đến tổ chức bộ máy và chức năng nhiệm vụ cũng như chế độ đãi ngộ để thu hút và duy trì nhân lực cho y tế cơ sở đã được triển khai kịp thời.
Kết quả, mạng lưới y tế cơ sở bao phủ rộng khắp, tất cả các huyện đều có trung tâm y tế huyện/bệnh viện huyện đóng trên địa bàn, 100% xã có trạm y tế xã. Trên 80% trạm y tế xã trên toàn quốc đã có bác sĩ làm việc tại trạm.
Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh ban đầu. Trên 80% người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã và huyện.
Tỉ lệ người dân khám chữa bệnh tại bệnh viện huyện và xã chiếm tỉ lệ cao trong tổng số lượt bệnh nhân khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến (trên 70%).
Việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã làm tăng tính tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ngay tại tuyến cơ sở. Tuy nhiên, cũng còn một số bất cập trong cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở.
Đối với y tế dự phòng, theo bà Hương thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong khống chế dịch bệnh, giảm tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nêu lên một số tồn tại hạn chế, như tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trong khi dịch Covid-19 chưa kết thúc, nhiều dịch bệnh có xu hướng tăng. Hệ thống y tế dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu khi dịch xảy ra. Công tác truyền thông phòng, chống dịch thường bị động, lúng túng, nhất là khi có dịch…
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực y tế cơ sở; kiến nghị Quốc hội tiếp tục thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện các chính sách về y tế cơ sở; xem xét bổ sung một số dịch vụ sàng lọc có tính chi phí hiệu quả vào phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi).
Để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật, kế thừa chính sách của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm hiện hành, Bộ Y tế kiến nghị xây dựng Luật phòng bệnh để giải quyết các khó khăn, bất cập và những khoảng trống trong pháp luật hiện hành…
Đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai, thành viên Đoàn giám sát nêu quan điểm, sau hoạt động giám sát sẽ đề xuất được những giải pháp để tăng cường hiệu lực của y tế cơ sở, y tế, nhưng các nội dung kiến nghị của Bộ Y tế không giải quyết được những tồn tại, vướng mắc hiện nay.
Bởi, qua giám sát tại địa phương cho thấy, thời gian qua lĩnh vực này chưa thực sự được quan tâm vì đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế và thiếu hướng dẫn hoạt động cụ thể.
Theo báo cáo của nhiều địa phương đều khẳng định bảo đảm chi tối thiểu 30% cho y tế dự phòng, ông Nguyễn Hoàng Mai bày tỏ băn khoăn về số liệu này vì thực tế y tế dự phòng ở nhiều nơi còn rất khó khăn, thiếu thốn; đề nghị báo cáo cụ thể về tổng số chi, từ đó làm cơ sở xem xét có thực hiện đúng Nghị quyết 18 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân hay không?
Trong vòng 10 năm, mô hình tổ chức và quản lý của hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng thay đổi 3 lần nhưng vẫn hiện vẫn chưa có sự thống nhất trong cả nước.
Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Danh Tú, thành viên đoàn giám sát cho biết, hiện vẫn còn 3 tỉnh có mô hình Trung tâm y tế trực thuộc UBND quận, huyện; còn 4 tỉnh Trung tâm Dân số nằm ngoài Trung tâm y tế. Đối với trạm y tế cũng có nhiều mô hình tổ chức và quản lý khác nhau, có nơi sát nhập trạm y tế với phòng khám đa khoa khu vực và trung tâm y tế huyện.
Băn khoăn liệu chức năng dự phòng sau khi sát nhập có được thực hiện đầy đủ? Tương tự, ở nhiều địa phương tiến hành sát nhập các trung tâm có chức năng dự phòng để thành lập trung tâm CDC cấp tỉnh liệu có thực hiện đồng đều và toàn diện các chức năng khi tiến hành sát nhập, ông đề nghị Bộ Y tế báo cáo thêm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu ý kiến thành viên đoàn giám sát nêu, theo đó Bộ sẽ đánh giá toàn diện về hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng để đề xuất các giải pháp cho giai đoạn mới, đây là cách làm tổng quan để giải quyết toàn diện các tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng báo cáo thêm những nội dung thành viên Đoàn giám sát nêu liên quan đến hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã; về việc giải thể trạm y tế để sát nhập với phòng khám đa khoa khu vực; nguồn lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng và hiệu quả sử dụng nguồn lực dành cho y tế dự phòng; biên chế y tế cơ sở, y tế dự phòng, mô hình cô đỡ thôn bản….