LTS: Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch khai thác nguồn tài nguyên sẵn có, văn hóa, lịch sử với sự tham gia của cộng đồng dân cư - những người trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch. Du lịch cộng đồng vẫn là cụm từ khá xa lạ với nhiều người dân Việt Nam, vì lâu nay chúng ta chỉ nói về các điểm đến, chứ ít khi nhắc đến du lịch cộng đồng.
Du lịch tại Việt Nam đang phát triển ra sao, gặp những khó khăn gì và Nhà nước đã có những chính sách gì hỗ trợ người dân tham gia loại hình du lịch này? Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam để tìm hiểu về thực trạng du lịch cộng đồng.
Homestay gây hiểu lầm, hiểu thiếu về du lịch cộng đồng
NĐT: Ông định nghĩa ra sao về du lịch cộng đồng? Hội Du lịch Cộng đồng được lập ra từ bao giờ, trong bối cảnh nào, thưa ông?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Du lịch cộng đồng là đưa cộng đồng vào tham gia làm du lịch, dạy bà con hiểu về du lịch, hiểu về giá trị gắn kết của cộng đồng, giá trị làm chủ trong cộng đồng và giá trị mang lại khi cộng đồng cùng tham gia du lịch.
Chi hội du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) tiền thân là Câu lạc bộ du lịch cộng đồng. Được Hiệp hội du lịch Việt Nam ra quyết định công nhận vào năm 2016. Với mục tiêu Kết nối - Đồng hành - Phát triển, đến nay số lượng hội viên tương tác và kết nối là hơn 8000 hội viên, hội viên tham gia trực tiếp là hơn 300 hội viên.
Với những nỗ lực và sức mạnh gắn kết cộng đồng, VCTC cũng đã giúp rất nhều làng du lịch cộng đồng duy trì và phát triển, điển hình như Ta Lang, Quảng Nam; A Nor, A Lưới, Huế; Kon Cơ Tu của Kon Tum; Tả phìn, Sapa…
NĐT: Ở các nước trong khu vực đã phát triển du lịch cộng đồng thế nào. Khó khăn khi phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam là gì, thưa ông?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Các nước phát triển du lịch cộng đồng từ rất lâu và họ từng bước phát huy hết giá trị vốn có của từng điểm đến, mang lại giá trị to lớn cho cộng đồng, kinh tế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Ở Việt Nam, việc phát triển du lịch cộng đồng cũng phần nào có những làng du lịch cộng đồng đúng nghĩa. Tại sao tôi lại dùng từ "đúng nghĩa", bởi rất nhiều địa phương hay kể cả nhiều chuyên gia lại lấy việc phát triển homestay là phát triển du lịch cộng đồng từ đó gây hiểu lầm, hiểu thiếu về du lịch cộng đồng. Nhiều chuyên gia thì tập chung vào phát triển lưu trú mà phá hỏng luôn cả giá trị văn hóa vốn có của đồng bào địa phương.
Mặt khác, các tiêu chí, tiêu chuẩn về du lịch cộng đồng cũng chưa đủ, những hướng dẫn chi tiết trong hoạt động phát triển cộng đồng, phát triển du lịch cộng đồng gắn liền với sinh kế chưa có và đặc biệt các chính sách tài chính quy định chi cho phát triển du lịch cộng đồng chưa có.
Ở góc độ tài chính thì sẽ là tư vấn du lịch cộng với tư vấn xây dựng thành tư vấn cho xây dựng du lịch cộng đồng, trong khi xây dựng cộng đồng cần là việc đưa cộng đồng vào tham gia xây dựng bản từ những ý tưởng đầu tiên từ đó gải quyết mâu thuẫn cộng đồng tạo sinh kế, tạo sản phẩm du lịch để kiếm được tiền thì chính sách tài chính lại chỉ gò bó ở xây dựng. Vật liệu xây dựng của cộng đồng là vật liệu xanh, vật liệu thân thiện với môi trường, vật liệu bản địa thì chính sách là bê tông cốt thép, là xây dựng cơ bản…
Một mặt khác các địa phương đều đang muốn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng trong khi thật sự lại chưa hiểu sâu về cộng đồng. Cử cán bộ đi học tập các mô hình du lịch cộng đồng thành công nhưng không có chuyên gia song hành nên việc nhận lại từ việc học tập là bê nguyên những mô hình của địa phương khác về áp dụng cho mình, điều này làm hỏng đi giá trị văn hóa, không khai thác được giá trị vốn có của địa phương cũng như tạo ra hàng loạt những sản phẩm giống nhau làm giảm giá trị của du lịch cộng đồng, giảm sức hút đối với mô hình du lịch này...
NĐT: Du lịch cộng đồng được xem là du lịch bền vững, những người dân trong cộng đồng và địa phương tham gia đều được hưởng lợi, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động du lịch cộng đồng tại Việt Nam liệu còn tồn tại nhiều hạn chế không, thưa ông?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Hạn chế lớn nhất đó là việc đưa cộng đồng vào tham gia du lịch chưa đúng cách, thiếu sự công bằng, không tạo ra sinh kế bền vững cho cả cộng đồng trực tiếp tham gia phát triển du lịch cũng như cộng đồng chưa tham gia làm du lịch.
Hạn chế thứ hai đó là chính quyền địa phương không tham gia hỗ trợ trực tiếp, thiếu sự sát sao và làm theo việc được giao nên việc phát triển chỉ được lúc đầu sau đó sẽ bị phá vỡ. Hạn chế tiếp theo chính là không có quy chế, quy chuẩn cụ thể để làm cán cân công bằng trong cộng đồng, không có quy hoạch kiến trúc, quy hoạch xây dựng cụ thể trong vấn đề bảo tốn và phát huy giá trị văn hóa…
Vấn đề đầu tiên...
NĐT: Những bước đầu tiên cần làm để một địa phương phát triển du lịch cộng đồng là gì, thưa ông?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Muốn phát triển du lịch cộng đồng thì việc đầu tiên chính là cần khảo sát, đánh giá giá trị tiềm năng của bản làng mình muốn phát triển, từ đó đánh giá rộng hơn trong sự liên kết, thị trường mục tiêu, nhu cầu của thị trường, sức hút khác biệt của điểm đến...
Từ những đánh giá trên mới ra đề án riêng biệt cho từng bản, từng sản phẩm cụ thể và dự tính được giá trị đầu tư. Bước tiếp theo chính là nguồn lực để xây dựng lấy từ đâu? Chính sách hỗ trợ gì? Dự án hỗ trợ gì? Hội hay Hiệp hội hỗ trợ gì? Bà con cần làm gì?...
Và bước cuối cùng chính là chính quyền, bà con cùng chuyên gia bắt tay nhau xây dựng sản phẩm du lịch cộng đông đặc trưng và khác biệt của riêng mình.
NĐT: Hiệp hội đã làm thế nào để có thể khuyến khích được cả cộng đồng tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Đó là vấn đề đầu tiên chúng tôi hay nói vậy vì nó chính là tiền đâu? Muốn cộng đồng tham gia thì việc duy nhất phải cho cộng đồng biết ta sẽ làm gì và ta kiếm tiền như thế nào. Khi họ có thể kiếm được tiền từ du lịch cộng đồng họ sẽ nghe và hết mình phát triển.
NĐT: Theo ông, làm thế nào để các địa phương vẫn giữ được giá trị, bản sắc, vừa phát triển du lịch nhưng cân bằng được yếu tố lợi ích?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Lợi ích của cộng đồng phải được đặt lên hàng đầu từ đó ta mới phân tích giá trị văn hóa, tạo các sản phẩm du lịch từ văn hóa. Những sản phẩm du lịch văn hóa đó mang lại tiền thì sẽ bảo tồn và phát huy được nó và lợi ích của cộng đồng được phân bổ theo quy chế quy chuẩn đã đưa ra thì việc cân bằng lợi ích luôn được duy trì.
NĐT: Công nghệ, ngoại ngữ... là những yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch nói chung. Vậy phát triển du lịch cộng đồng thì sao và theo ông, các địa phương phải giải quyết bài toán này như thế nào (Do không phải ở địa phương nào cũng có người giỏi về mảng này)?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Công nghệ hay ngoại ngữ là điều rất cần trong phát triển du lịch, kể cả du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, ngay từ khi xây dựng cộng đồng thì VCTC đã phải lựa chọn và đào tạo cơ bản để bà con đều có thể tiếp cận, học hỏi, chia sẻ và tiếp cận khách hàng, chủ động trong marketing cho đến việc tất cả số đông trong bản đều tiếp cận được công nghệ. Vấn đề ngoại ngữ thì song hành với việc đào tạo thì VCTC đã dạy bà con tiếp cận và học hỏi dần trong giao tiếp với khách thông qua phần mềm Google dịch. Với bà con, tất cả đều phải dạy bằng cách cầm tay chỉ việc và lặp đi lặp lại nhiều lần.
NĐT: Loại hình du lịch này có thu hút được nhiều du khách trong nước hay hiện chủ yếu đang thu hút du khách ngoại hơn, thưa ông?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Trước đây thì mô hình này chủ yếu thu hút khách nước ngoài thích trải nghiệm văn hóa nhưng nhưng năm gần đây việc trải nghiệm văn hóa này không chỉ người nước ngoài mà số lượng khách nội địa tăng đáng kể.
NĐT: Để phát huy du lịch cộng đồng có hiệu quả, ông đánh giá cần phát huy những điều gì?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn để phát triển du lịch cộng đồng, quy chuẩn về tài chính cho phát triển du lịch cộng đồng và việc phát huy cần hơn cả đó là phát huy của chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện, xuống xã và thôn trong việc phát triển du lịch cộng đồng.
NĐT: Các chuyên gia nhận định, nhu cầu thị trường đang thay đổi, thiên về xu thế du lịch xanh, trải nghiệm văn hóa, chăm sóc sức khỏe, theo ông, sau dịch bệnh hiện trạng của dòng sản phẩm này có đáp ứng được nhu cầu của du khách không?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Dòng sản phẩm này thật sự là thiếu so với nhu cầu của du khách thời điểm hiện tại. Có những làng đạt chuẩn nhưng cũng có những làng chưa thể đáp ứng. Có những dịch vụ đáp ứng nhưng lại đơn lẻ chưa có sự tham gia của cộng đồng mà có những vùng thì khách hỏi không thể đón tiếp nhưng có những nơi khách không biết tới để đến.
NĐT: Cũng có luồng ý kiến khác nói tựu trung con người vẫn thích nghỉ dưỡng hơn? Liệu du lịch cộng đồng có cạnh tranh được du lịch nghỉ dưỡng không, thưa ông?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Mỗi sản phẩm có giá trị khác nhau, mỗi khách hàng có nhu cầu khác nhau và đương nhiên theo xu hướng những năm gần đây thì những người đã đi nghỉ dưỡng quá nhiều thì lựa chọn của họ sẽ là đi nhóm nhỏ đến những nơi yên bình có giá trị văn hóa và giá trị ẩm thực riêng biệt để nghỉ ngơi thay vì chọn nghỉ dưỡng đơn thuần. Tôi nghĩ sẽ đến lúc những người thích du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ tò mò và muốn trải nghiệm những giá trị khác biệt này thôi.
Chuẩn bị để đón sóng cơ hội phục hồi du lịch
NĐT: Vậy để phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta, ngành du lịch đã có những quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể nào, thưa ông? Về phía cơ quan Nhà nước, theo ông phía Nhà nước cần thêm chính sách gì để phát triển du lịch cộng đồng?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Cũng có nhiều cuộc họp, nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn được đưa ra nhưng gần đây nhất Bộ khoa học và công nghệ đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng - Yêu cầu về chất lượng dịch vụ. Tiêu chuẩn này được biên soạn và ban hành theo đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong đó quy định những yêu cầu cơ bản về chất lượng dịch vụ và các sản phẩm du lịch cộng đồng do các bên liên quan cung cấp, như yêu cầu về chất lượng dịch vụ đối với hướng dẫn du lịch cộng đồng, điểm thông tin du lịch cộng đồng, dịch vụ tham quan, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú; dịch vụ vui chơi giải trí, hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống tại cộng đồng và dịch vụ mua sắm sản phẩm địa phương. Đây chính là sự khởi điểm để hoàn thiện dần những thiếu và khuyết trong phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta.
NĐT: Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã xây dựng và tư vấn cho rất nhiều bản làng trên cả nước làm du lịch, thời gian tới Hội có trợ các địa phương kế hoạch gì để sản phẩm này đón sóng cơ hội phục hồi?
Ông Phạm Hải Quỳnh: VCTC xây dựng các làng du lịch cộng đồng dựa trên chính sức mạnh của cộng đồng và sinh kế của địa phương nên tuy dịch bệnh nhưng các làng ảnh hưởng không nhiều, có những làng trong năm dịch bệnh 2021 vẫn đón khách và tăng trưởng, có những làng khi khởi động lại đón cả nghìn khách... Chính điểm này tạo những cộng đồng bền vững và VCTC vẫn tiếp tục hỗ trợ các tỉnh phát triển du lịch cộng đồng điển hình như Bắc Ái, Ninh Thuận, Hoài Khao, Nguyên Bình, các làng ở Quảng Bình,Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng...
NĐT: Vậy trước tình hình hiện nay, với vai trò người làm du lịch, ông đánh giá thế nào về xu thế du lịch cộng đồng trong tương lai?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Sau dịch, chúng ta đều nhìn thấy sự bùng nổ của lượng du khách cũng như sự phục hồi ngoạn mục của ngành du lịch.
Nhu cầu của du khách cũng thay đổi khá nhiều, lượng khách đi theo nhóm nhỏ, nhóm gia đình tăng mạnh và điểm đến không chỉ theo mùa mà khách có thể đi khắp nơi, trải nghiệm những giá trị riêng biệt của từng điểm đến, nét văn hóa khác biệt. Du lịch cộng đồng đang ngày càng đóng vai trò khá quan trọng.
Xin chân thành cảm ơn ông!