Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi họp về tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công của ngành giao thông năm 2019 diễn ra chiều ngày 4/11.
10 tháng giải ngân đạt gần 36%
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, theo kết quả tổng hợp từ các chủ đầu tư và các Ban quản lý dự án, kết quả giải ngân tính đến hết tháng 10/2019 được 9.405 tỷ đồng trên tổng số vốn được giao năm 2019 của Bộ GTVT là 26.322 tỷ đồng, tương đương 35,7% kế hoạch giải ngân (trong khi đó theo tiến độ dự kiến hết tháng 10/2019 cần đạt 15.136 tỷ đồng, tương đương 57,5%).
“Mặc dù đã có sự đôn đốc, kiểm tra từ tháng 8/2019 nhưng tiến độ giải ngân chưa có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân đạt vẫn rất thấp, không đạt kế hoạch giải ngân tháng và chưa kéo bù đủ số giải ngân chậm của các tháng đầu năm và “có nguy cơ không đạt được mục tiêu giải ngân 95%”, đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết.
Theo kế hoạch, số tiền còn phải giải ngân từ nay đến cuối năm rất lớn, khoảng 16.917 tỷ đồng. Chủ yếu tập trung ở nhóm các dự án ODA là 6.118 tỷ đồng và các dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông 5.552 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc về thủ tục thanh toán như: QL217 giai đoạn 2, Cầu Thịnh Long, tuyến tránh H'Leo, tuyến tránh Đèo Con, tuyến tránh Kon Tum, đường kết nối đường Hồ Chí Minh và QL12B đi QL1, tuyến tránh Quảng Trị, tuyến tránh Tây Buôn Hồ, cầu vượt QL1 và đường Nghi Sơn - Bãi Trành.
Các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam (Cao Bồ - Mai Sơn, cầu Mỹ Thuận 2), các dự án đường bộ cấp bách (QL27, tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp, QL3B, QL53), các dự án ODA sử dụng vốn dư chưa xong thủ tục đấu thầu xây lắp hoặc chưa tạm ứng hợp đồng.
Dồn toàn lực trong 2 tháng cuối năm
Báo cáo tại cuộc họp, các Ban quản lý dự án và các Tổng Công ty đều hứa sẽ “cán mốc” giải ngân 95% trong 2 tháng tới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, còn có những vấn đề phải đánh giá lại chi tiết, các Ban quản lý phải thực sự “xắn tay vào việc” mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.
“Ban nào giải ngân dưới 95% thì Ban đó không hoàn thành nhiệm vụ. Các Ban quản lý dự án chỉ có việc điều hành các dự án thôi, còn việc gì nữa mà không hoàn thành? Chúng ta không còn cách nào khác là phải dồn toàn lực vào công tác giải ngân trong những tháng cuối năm này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, sở dĩ xảy ra việc chậm giải ngân là do các Ban quản lý, các chủ đầu tư lập kế hoạch chưa sát, cứ “lập kế hoạch ào ào rồi lại phải điều chỉnh”. Do đó, các đơn vị phải rà soát công việc liên tục và báo cáo lên Bộ.
Cùng với việc đôn đốc các đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng phân tích những điểm thuận lợi của năm 2019 trong công tác giải ngân để khuyến khích các Ban quản lý, chủ đầu tư.
“Toàn bộ cao tốc Bắc-Nam Bộ đã bàn giao việc giải phóng mặt bằng cho các địa phương và năm 2019 Bộ chỉ đăng ký giải ngân 25% tổng số tiền giải phóng mặt bằng (khoảng 4.000 tỷ đồng). Khi người dân đồng thuận, chúng ta lập tức có thể chi tiền ngay. Điều kiện là Ban phải tập trung cao độ, bám sát các địa phương. Riêng 3 dự án đầu tư công ngay khi chọn được nhà thầu là có thể giải ngân ngay 20% giá trị dự án. So với các năm trước, năm nay chúng ta chưa giải ngân bằng. Tuy nhiên, các năm trước không có dự án mới. Nhưng cả năm vừa qua chúng ta đã chuẩn bị thủ tục cần thiết cho các dự án mới vì thế 2 tháng cuối năm là thời điểm tốt để giải ngân phần còn lại”, Bộ trưởng cho biết.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, cần có chế tài hợp lý để răn đe cũng như khuyến khích các Ban Quản lý dự án hoàn thành nhiệm vụ. Đơn vị nào trì hoãn, Bộ GTVT kiên quyết không giao thêm dự án và ngược lại, đơn vị nào phấn đấu giải ngân đạt 95% hoặc nhiều hơn sẽ được khen thưởng, biểu dương.
Trước đó, chiều 30/10 giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã có lời hứa "Bộ GTVT quyết tâm giải ngân bằng tỷ lệ chung của cả nước, từ 90- 95%".
Theo Phan Trang/Cổng Thông tin điện tử Chính phủ