Theo ông Nhật, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 16/01/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại vào năm 2020, ngành hàng hải Việt Nam đã và đang tiếp tục hoàn thiện thể chế về hàng hải, hoàn thiện các quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, công nghiệp đóng tàu, đội tàu biển và dịch vụ vận tải biển để tạo động lực thúc đẩy các hành lang kinh tế, các khu kinh tế gắn với biển.
Cục hàng hải Việt Nam đã xác định 4 dự án trọng điểm sẽ được tập trung đầu tư từ nay đến năm 2020.
Dự án thứ nhất là Dự án cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai đầu tư 02 bến khởi động tiếp nhận tàu 100.000DWT để đưa vào khai năm 2016, tiếp tục kêu gọi sự quan tâm của các Nhà đầu tư phát triển cảng Lạch Huyện giai đoạn đến năm 2020 theo quy hoạch đã được phê duyệt gồm 08 bến (03 bến tổng hợp cho tàu trọng tải đến 50.000DWT và 05 bến container cho tàu trọng tải từ 50.000-100.000DWT), công suất thông qua từ 28-34 triệu tấn;
Dự án thứ hai là Dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong, nơi có ưu thế về điều kiện tự nhiên với chiều dài đường bờ trên 10km, với độ sâu tự nhiên lớn, không tốn kém trong tư hạ tầng đê chắn sóng, luồng tàu vào cảng, cho phép tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 18.000TEU.
Cảng Vũng Áng, một trong những dự án quan trọng của Cục Hàng hải
Vân Phong hiện hội tụ đủ những điều kiện cần để phát triển một cảng trung chuyển container tầm cỡ quốc tế và Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, nhà khai thác cảng, các hàng tàu quốc tế tham gia phát triển cảng Vân Phong.
Dự án thứ ba là Dự án nâng cấp tuyến luồng tàu biển Cái Mép Thị Vải. Đây là dự án đng được Cục hàng hải Việt Nam triển khai nghiên cứu để đảm bảo cho tàu trọng tải đến và trên 100.000DWT có thể ra vào các bến cảng khu vực Cái Mép Thị Vải thường xuyên (hiện nay tàu trên 80.000DWT phải thực hiện trong các điều kiện hạn chế hành hải);
Dự án thứ tư là luồng cho tàu trọng tải 10.000DWT (20.000DWT giảm tải) vào sông Hậu. Đây là dự án đang được Cục Hàng hải Việt Nam triển khai bằng nguồn vốn ngân sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và phát triển giao thương hàng hóa cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
"Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, kinh tế thương mại hàng hải ngày càng giữ vai trò trọng yếu trong thương mại toàn cầu. Là một quốc gia đang đà phát triển theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, Việt Nam tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ đồng bộ thống hạ tầng thiết yếu trong đó có hệ thống giao thông ngành hàng hải gồm hệ thống các cảng biển, các cơ sở đóng sửa chữa tàu, đội tàu biển, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế... để đáp ứng yêu cầu hội nhập”, ông Nhật nói.
Với những định hướng mở trong đầu tư hạ tầng ngành hàng hải, Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, hợp tác đầu tư vào lĩnh vực hàng hải. „Về phía Cục Hàng hải Việt Nam luôn tạo điều kiện và tiếp tục đẩy mạnh cải cách về các thủ tục hành chính, môi trường đầu tư để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào lĩnh vực hàng hải tại Việt Nam”, ông Nhật cho biết
Nói về dự án cảng Vũng Áng, Cục hàng hải Việt Nam cho biết, với chủ trương đa dạng hóa hình thức đầu tư , khai thác và quản lý cảng biển, bến cảng số 3 cảng Vũng Áng đang được kêu gọi đầu tư theo mô hình công tư kết hợp (PPP).
Cũng như các tỉnh ven biển, Hà Tĩnh đang nỗ lực hết mình nhằm phát triển nhanh, mạnh kinh tế biển và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Khu kinh tế Vũng Áng – Hà Tĩnh là một trong 05 khu kinh tế ven biển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên phát triển giai đoạn 2013-2015. Đây là ưu thế lớn cho việc phát triển khu kinh tế Vũng Áng nói riêng, phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hà Tĩnh và khu vực nói chung.
Căn cứ vào Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết cảng Sơn Dương ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam đã phê duyệt quy hoạch xây dựng bến cảng chuyên dùng Khu liên hợp Gang thép Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh bao gồm 13 bến cảng trong giai đoạn I, trong đó bố trí 3 bến cho tàu có trọng tải 300.000 DWT, 2 bến cho tàu trọng tải 200.000 DWT, và 8 bến còn lại cho các cỡ tàu từ 10.000 đến 70.000 tấn.
Cảng Sơn Dương sau khi hoàn thành sẽ trở thành cảng chuyên dụng lớn nhất Việt Nam cho tàu tải trọng 300.000 DWT ra, vào làm hàng phục vụ nhà máy luyện thép và nhiệt điện. Cảng biển Vũng Áng - Sơn Dương thực sự là một cửa mở lớn của khu vực Bắc Miền Trung thúc đẩy đầu tư phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ riêng tỉnh Hà Tĩnh mà còn là đầu mối thúc đẩy hành lang kinh tế từ cảng biển Sơn Dương – Vũng Áng qua cửa khẩu Cầu Treo sang nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.
P.V