Bằng niềm đam mê công nghệ và lòng nhiệt huyết với di sản văn hóa của cha ông, chàng trai trẻ Nguyễn Trí Quang đã tự bỏ công sức, tiền bạc để lưu giữ, bảo tồn, trưng bày nguyên trạng hàng trăm linh vật, bức tượng cổ cũng như di tích lớn bằng công nghệ VR3D (còn gọi là Thực tế ảo 3D). PV báo Người đưa tin đã có cuộc trò chuyện thú vị với chàng trai sinh năm 1997 này.
Được biết đình Tiền Lệ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vừa trở thành di tích lớn đầu tiên được số hóa thành công bằng công nghệ VR3D. Cảm nghĩ của Quang như thế nào khi hoàn thiện xong dự án này?
Tôi rất mừng vì có những lúc tưởng phải bỏ dở dự án bởi những khó khăn trong quá trình thực hiện. Từ khi bắt đầu ý tưởng cho đến khi hoàn thiện dự án, tôi phải mất 2 năm rưỡi với một khối lượng công việc khổng lồ và phức tạp. Có thể nói rằng, đây là lần đầu tiên một di tích văn hóa lớn, có giá trị được số hóa thành công với sự chính xác cực cao.
Vậy công nghệ VR3D này có ưu thế gì trong việc bảo tồn di sản văn hóa?
Công nghệ này được thực hiện thông qua việc quét mọi góc độ của một công trình cụ thể. Vì thế nó có thể hiển thị từng chi tiết, cấu kiện nhỏ nhất của một di tích trong không gian 3 chiều. Hiểu đơn giản hơn thì công nghệ này giúp tạo ra một bản sao (mà độ chính xác gần như đạt tới 100%) của di tích gốc và được tái hiện trong không gian 3 chiều.
Trước đây ở Việt Nam, công nghệ này đã từng được áp dụng vào việc bảo tồn các di tích chưa?
Theo tìm hiểu của tôi thì người ta đã áp dụng việc quét di tích bằng công nghệ 3D rồi. Tuy nhiên sản phẩm của họ chỉ có thể hiển thị đám mây (tức là những điểm chấm chấm mờ chứ không chân thực như công nghệ của tôi). Hoặc có hiển thị thì cũng chỉ được một phần nhỏ của di tích. Đặc biệt hơn là chưa một sản phẩm nào có thể xem được online.
Nói vậy nghĩa là, công nghệ của Quang có thể giúp người dùng tương tác trực tiếp trên mạng?
Đúng vậy. Thông thường để xem được những hình ảnh 3D, người ta cần có phần mềm và máy tính chuyên dụng. Tuy nhiên tôi đã tìm ra giải pháp để đưa nó lên mạng và người dùng có toàn quyền tương tác, xoay lật mọi vật được hiển thị trong môi trường 3 chiều thực sự để quan sát ngay trong trình duyệt mà không cần cài đặt thêm phần mềm nào.
Theo Quang, vai trò của công nghệ này với việc bảo tồn di sản văn hóa là như thế nào?
Hiện nay nhiều người chưa coi trọng việc số hóa hiện vật, di tích nhưng tôi cho rằng đây là việc làm hết sức cần thiết. Ví dụ chứng minh là chuyện hương án 300 năm tuổi chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) bị cháy rụi năm 2015. Nếu trước đó tôi không thực hiện số hóa chiếc hương án này thì giờ đây, nó chỉ còn trong tưởng tưởng của một số người mà thôi. Nhưng nếu có bản số hóa, chúng ta có thể phục dựng lại được với độ chính xác gần như 100%.
Liên hệ với tình trạng trùng tu di tích sai hiện nay, Quang thấy vai trò của công nghệ này như thế nào?
Đúng là những năm qua, di tích hay bị “biến hình” sau trùng tu mà nguyên nhân một phần do thiếu dữ liệu hình ảnh để đối chiếu. Gần đây người ta cũng đang tranh cãi về việc trùng tu chùa Cầu (ở Hội An). Tôi cho rằng nếu số hóa được những công trình đó, chúng ta sẽ có thêm tư liệu để đối chiếu sau khi hạ giải các cấu kiện của di tích. Tôi tin rằng kỹ thuật này sẽ có những đóng góp quan trọng để hạn chế tình trạng phục chế sai các di tích văn hóa như hiện nay.
Để làm được việc này, chắc chắn sức một người không thể làm được?
Đúng vậy. Trong những năm qua, tôi đã thực hiện số hóa và đưa lên mạng hàng trăm linh vật Việt. Thế nhưng so về tổng thể mà nói thì những kết quả đó không đáng kể. Bản thân tôi rất muốn hợp tác với những đơn vị, cơ quan liên quan tới công tác bảo tồn di sản văn hóa để trong tương lai gần, có thể số hóa tất cả những di tích quan trọng trên phạm vi cả nước. Đó sẽ là những bản sao, phục vụ cho công tác tôn tạo, tu bổ di tích sau này.
Sắp tới Quang có kế hoạch nào khác để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình?
Kế hoạch trước mắt của tôi là tiếp tục hoàn thiện những mẫu hiện vật đang thực hiện dang dở. Sau này, tùy vào điều kiện bản thân, tôi sẽ lựa cho mình những dự án phù hợp. Sức mình tới đâu thì làm tới đó.
Xin cảm ơn Quang
Phạm Thiệu