Ông Phạm Anh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các phường, xã có tuyến đường sắt đi ngang qua và các đơn vị liên quan nhằm đưa ra giải pháp hạn chế tai nạn đường sắt.
Tại cuộc họp, ông Dũng yêu cầu trong tuần tới, các phường, xã phải rà soát lại tất cả đường ngang, kể cả các đường ngang dân sinh, tiến hành lắp đặt gờ giảm tốc, rào chắn, phân công lực lượng cảnh giới.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng triển khai rào chắn các đường ngang phức tạp đông người qua lại tại các phường như Bửu Hòa, Long Bình, Quyết Thắng, đồng thời tiến hành làm các đường gom tại những điểm có các đường ngang dân sinh với cự ly gần. Ngoài ra, cấm các loại xe tải, xe ô tô đi qua các đường ngang dân sinh, tiến hành thành lập đội ứng cứu tại chỗ.
Ông Dũng cũng đề nghị trong tháng 3 tới sẽ xử lý xong các vấn đề còn tồn tại ở các đường ngang dân sinh đi qua đường sắt trên địa bàn thành phố, quyết không để xảy ra những tai nạn đáng tiếc về đường sắt trong năm 2017.
Ngoài ra, ông Dũng chỉ đạo: “Tại các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt đi qua địa bàn phường, xã nào nếu xảy tai nạn thì chủ tịch phường, xã đó sẽ bị kỷ luật”.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP.Biên Hòa đã liên tục xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, chết nhiều người.
Cụ thể, vào ngày 1/2, tại km1701+205 tuyến đường sắt Bắc - Nam thuộc địa bàn phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa xảy ra vụ va chạm giữa tàu SQN1 và xe ô tô 16 chỗ, làm chết 2 người, bị thương 7 người.
Ngày 24/2, tại km 1684+800 của tuyến đường sắt giao cắt với đường ngang dân sinh thuộc xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom xảy ra vụ tai nạn giữa xe máy biển kiểm soát 68S-378.32 với tàu TN2 làm 2 người tử vong tại chỗ,…
Trước đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng có công văn đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, xử lý các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra liên tiếp thời gian qua.
Cụ thể, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đề nghị Đồng Nai chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm, gây ra các vụ tai nạn. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan trong việc để xảy ra tai nạn.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn TP. Biên Hòa có khoảng 17 km đường sắt đi qua, có 14 đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt. Trong khi đó, tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài 89 km với 113 điểm giao cắt, trong đó có 57 đường ngang hợp pháp và 66 lối đi dân sinh tiềm ẩn không ít nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt. |
Nguyễn Nhâm