Theo NSND Quang Thọ: Nếu dự thảo này có hiệu lực thì việc sử dụng các tác phẩm của các nhạc sĩ sẽ có quy củ hơn. Người ta sẽ không tùy tiện sử dụng tác phẩm của mình để kinh doanh. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng cần xem xét thêm, bởi nếu sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam mà phải trả tiền thì các nhà hàng, khách sạn sẽ lách luật bằng cách sử dụng các tác phẩm nước ngoài. Theo tôi, dự thảo cần có những quy định chặt chẽ hơn nữa để các nhạc sĩ và các nhà quản lí có thể biết được tác phẩm âm nhạc của họ, hoặc do họ quản lí được sử dụng như thế nào?
NSND Quang Thọ
Chia sẻ với Người đưa tin về việc thực thi bản quyền âm nhạc khách sạn, nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho biết: Các khách sạn sử dụng âm nhạc của người khác để phục vụ khách hàng của mình. Vì vậy, khi khách hàng trả tiền cho họ thì họ phải trích ra một phần để trả cho trung tâm bản quyền là điều hoàn toàn hợp lý. Cái này gọi laà̊ phí dịch vụ cho âm nhạc. Ngoài ra, những bản nhạc đã góp phần nâng thứ hạng của các khách sạn lên thành 3, 4, 5 sao. Các ông chủ quản lý nên biết điều và cám ơn chúng. Hơn nữa, số tiền phải trả cho bản quyền được tính theo toàn bộ hệ thống của khách sạn, bao gồm phòng ăn, phòng khách, phòng hội nghị chứ không chỉ tính riêng phòng ngủ.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, chủ tịch hội nhạc sĩ Việt Nam bày tỏ: Các nhà hàng, khách sạn muốn sử dụng âm nhạc cho mục đích kinh doanh thì phải trả tiền là điều đương nhiên. Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề thu tiền bản quyền trong phòng ngủ khách sạn khá tế nhị và nên có sự xem xét, nghiên cứu kĩ lưỡng. Để mang tính khách quan khi bàn về vấn đề này, chúng ta nên hỏi ý kiến người dân, những người trực tiếp sử dụng dịch vụ này từ các khách sạn. Chính họ sẽ mang đến câu trả lời xác đáng nhất.
Luật sư Trần Đình Triển Trường văn phòng luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định: Khó có thể thu được tiền bản quyền tác giả khi các tác phẩm này được mở trong phòng ngủ khách sạn. Bởi thực tế, cho đến nay chưa có một chế tài cụ thể nào xử lý hay quy định về vấn đề này. Hơn nữa, mở nhạc trong phòng ngủ xưa nay là việc riêng tư. Ngoài việc khách sạn mở loa rồi dẫn đường truyền vào các phòng ngủ thì khách vẫn có thểä tự mở các loại nhạc khác cho hợp với thị hiếu. Vì vậy, để quản lí được vấn đề này là vô cùng khó. Các cơ quan quản lí không thể biết được khách sạn đó mở nhạc hay không. Nếu họ cam kết không mở nhưng vẫn lén lút thực hiện thì cơ quan nào sẽ đứng ra chịu trách nhiệm phát hiện và xử lý những trường hợp đó.
Ca sĩ Lan Anh cho biết: Hiện tại chị chưa nghe thông tin gì về việc sẽ thu tiền bản quyền nếu mở nhạc trong khách sạn. Nhưng nếu việc này được thực hiện sẽ mang lại công bằng cho các nhạc sĩ. Bởi tình trạng "ăn cắp" tác phẩm âm nhạc Việt Nam đã diễn ra nhiều năm nay. Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng có rất nhiều ý kiến về vấn đề này nhưng ý thức, trách nhiệm chấp hành của người sử dụng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Người nhạc sĩ giống như nhà thiết kế và may chiếc áo. Khi sản phẩm ra đời và mang đi sử dụng, họ cũng muốn được ghi nhận. Vấn đề không phải là ở tiền bạc mà là ở sự trân trọng những tác phẩm nghệ thuật của người làm ra nó.
Theo anh Trần Ngọc Nam, phụ trách truyền thông Khách sạn Oasis, 19 Láng Hạ, Hà Nội: Đã là quy định thì các khách sạn như chúng tôi phải tuân theo. Tuy nhiên đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản nào hướng dẫn về việc sử dụng như thế nào, trả tiền ra sao cho các tác giả. Tôi nghĩ việc nộp tiền tác quyền là đúng. Mình sử dụng nhạc của người ta thì phải trả phí là điều đương nhiên. Vấn đề ở đây là các cơ quan chức năng sẽ quản lý thế nào. Họ làm thế sao để biết biết và kiểm soát số lần hay tần suất âm nhạc trong mỗi khách sạn. Nếu làm được điều đó thì tốt, còn ngược lại, trung tâm sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu tiền tác quyền ở lĩnh vực này".
Đào Bích - Lạc Thành