Mức phạt tiền có thể lên tới một tỷ đồng với cá nhân và hai tỷ đồng với tổ chức, nếu rác thải có chứa chất phóng xạ...
"Mạnh tay" với hành vi đổ rác bừa bãi
Luật sư Phạm Văn Phúc, Giám đốc công ty tư vấn luật Phúc & Đồng sự, cho biết quy định xử phạt trên là một trong những nội dung quan trọng đang được bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo tại Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Với việc xử phạt lên đến hai tỷ đồng đối với hành vi đổ rác thải có chứa chất phóng xạ ra môi trường cho thấy, Nghị định lần này sẽ xử phạt thật nặng với hành vi đổ rác bừa bãi của người dân.
Theo luật sư Phạm Văn Phúc, hiện nay, vấn nạn đổ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu đô thị, chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng, đặc biệt là trên đường phố, hệ thống thoát nước đô thị được xem là bài toán nan giải nhất đối với cơ quan chức năng, bởi ý thức của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Để giải quyết vấn đề này, bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phạt cảnh cáo hoặt phạt tiền 50.000 - 500.000 đồng đối với những hành vi đổ rác không đúng nơi quy định ở khu đô thị, chung cư. Còn đối với hành vi đổ rác thải sinh hoạt trên đường phố, hệ thống thoát nước sẽ bị phạt nặng 500.000 - 1.000.000 đồng. Cùng với đó là phạt tiền 1 - 5 triệu đồng đối với hành vi thu gom rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định về bảo vệ môi trường.
Người dân cùng lực lượng chức năng dọn dẹp rác thải đổ không đúng nơi quy định
Ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia hoạt động bảo vệ môi trường đô thị tại TP.HCM cho biết, trong Nghị định được soạn thảo này, việc xử phạt sẽ từ 20 triệu đến 500 triệu đồng đối với hành vi chôn lấp, vứt chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định về bảo vệ môi trường được nhiều chuyên gia, người dân rất quan tâm. Đề nghị này được xem là lời "tuyên chiến" cứng rắn với hành vi được xem là diễn ra nhan nhản tại khắp các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM. Theo ông Nam, về hành vi này, trong Nghị định có quy định rõ, các trường hợp chôn lấp, thải chất thải rắn thông thường có khối lượng đến dưới 5m3 sẽ bị phạt tiền 20 - 30 triệu đồng. Trường hợp có khối lượng từ 5m3 đến 20m3 sẽ bị phạt tiền 30 - 60 triệu đồng. Trường hợp có khối lượng từ 20m3 đến dưới 50m3 sẽ bị phạt 60 - 100 triệu đồng. Riêng các trường hợp có khối lượng từ 500m3 trở lên sẽ bị phạt 350 - 500 triệu đồng.
Một số chuyên gia nghiên cứu pháp luật tại TP.HCM cho biết, bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất mức phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải không che chắn hoặc để vương vãi trong quá trình tham gia giao thông. Đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải sẽ bị phạt 20 - 30 triệu đồng.
Bắt quả tang để phạt không dễ
Một số người dân tại TP.HCM cho biết, Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay, đa số người dân đều hết sức mù mờ về việc ai sẽ là người xử phạt và hình thức xử phạt sẽ như thế nào.
Chị Hồ Thị Thu Thủy (34 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: "Tôi vừa nắm bắt được các nội dung sẽ xử phạt nặng với các hành vi đổ rác bừa bãi trong Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc Nghị định lần này nâng mức phạt lên cao là điều hết sức cần thiết, bởi vấn nạn đổ rác không đúng chỗ là căn bệnh trầm kha, khó chữa trị được. Tuy nhiên, người dân hiện đang rất quan tâm nếu Nghị định này có hiệu lực thì người xử phạt và hình thức xử phạt sẽ như thế nào".
Chị Bùi Thị Hồng (45 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường tại khu vực trung tâm TP.HCM) có 15 năm gắn bó với nghề thu dọn rác trên đường phố cho biết: "Những ngày qua, những công nhân làm nghề dọn, thu gom rác trên đường phố bàn tán xôn xao về quy định xử phạt nặng với những người vứt rác không đúng nơi quy định. Tôi và nhiều đồng nghiệp khác đều cho rằng, nếu các nội dung xử phạt trong Nghị định được thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt thì điều này vô cùng tốt. Khi đó, đường phố sẽ dần vắng bóng rác và công việc của những người thu gom rác sẽ nhàn nhã và nhẹ nhàng hơn. Nhưng chúng tôi cho rằng việc xử phạt là điều vô cùng khó".
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia hoạt động bảo vệ môi trường đô thị tại TP.HCM nêu rõ, cái khó trên là việc bắt quả tang người đổ rác không đúng nơi quy định để xử phạt là điều không dễ. Người dân chủ đích đổ rác không đúng nơi quy định thì họ sẽ đổ một cách lén lút, quan sát không có ai thấy rồi mới đổ. Khi đổ họ làm cái vèo là xong, như vậy lực lượng chức năng chỉ có mai phục nhiều ngày thì mới có thể bắt quả tang được. Hơn nữa, bắt rồi xử phạt như thế nào cũng khó, vì tang vật chỉ là một túi rác. Hơn nữa, một vấn đề đặt ra là nếu một cô giúp việc đi vứt rác bị bắt quả tang thì sẽ xử phạt người vứt rác hay chủ nhà.
Một chuyên gia bảo vệ môi trường cho hay, thực tế cho thấy các hành vi chôn lấp, vứt chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định hoặc người điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải không che chắn hoặc để vương vãi trong quá trình tham gia giao thông thường diễn ra vào ban đêm hoặc rạng sáng. Thời điểm này, các cơ quan chức năng đều nghỉ làm, như vậy lực lượng nào sẽ đi xử phạt vào thời điểm này và làm sao ngăn chặn được tình trạng đưa hối lộ cho người thi hành nhiệm vụ để được bỏ qua. Bên cạnh đó, nhiều người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp rất tinh vi trong việc đổ chất thải độc hại ra môi trường. Họ thường ngụy trang rác thải của mình dưới nhiều hình thức, chờ khi không có cơ quan chức năng mới đổ ra môi trường.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Phước (45 tuổi, Giám đốc công ty xử lý rác thải sinh hoạt gia đình Phước Thu) cho biết: "Vứt rác, xả rác ra môi trường không đúng nơi quy định đang là vấn nạn của nhiều thành phố, đặc biệt là đô thị lớn như TP.HCM. Ngoài việc tuyên truyền, xử phạt nặng các hành vi vi phạm là điều hết sức cấp thiết. Việc xử phạt nặng này không chỉ những người làm nghề vệ sinh đường phố, mà người dân đều mong quy định này sớm được thực hiện một cách triệt để, nghiêm minh. Điều quan trọng là cơ quan soạn thảo Nghị định cần phải quy định rõ các hành vi tiếp tay, không tố giác các hành vi đổ rác không đúng nơi quy định. Chỉ có như vậy các hành vi vi phạm mới có thể bị triệt tiêu thật sự".
Mức phạt tăng thêm 40 - 50% Lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Nghị định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013 và thay thế Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31/12/2009 của Chính phủ. Một điểm cần lưu ý trong Nghị định lần này là sẽ phạt tăng thêm 40-50% số tiền phạt so với mức phạt tiền tương ứng đối với hành vi vi phạm trong trường hợp chất thải rắn thông thường có chứa chất thải nguy hại không đúng nơi quy định. |
Thanh Nguyên