Sau hơn 10 năm số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) luôn được giữ ở mức 50 triệu đồng, NHNN vừa qua đã công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi. Dự thảo Quyết định này quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Cụ thể, theo dự thảo, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng.
Đây là hướng dự kiến điều chỉnh hạn mức theo đề nghị của Thống đốc NHNN.
Đối tượng áp dụng bao gồm người được bảo hiểm tiền gửi; tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; tổ chức bảo hiểm tiền gửi và cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Trước đó, theo quy định của Nghị định số 89/1999/NĐ-CP ngày 1/9/1999 và Nghị định số 109/2005/NĐ-CP ngày 24/8/2005 sửa đổi, bổ sung, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được áp tối đa là 30 triệu đồng, sau đó tăng lên tối đa 50 triệu đồng và áp dụng cho đến nay.
Tại thời điểm quy định này bắt đầu có hiệu lực, mức bảo hiểm này được đánh giá là phù hợp với thực tế, tức gấp khoảng 5,5 lần GDP bình quân đầu người năm 2005.
Hạn mức bảo hiểm tiền gửi là công cụ quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm tiền gửi. Đối với mỗi quốc gia, việc thay đổi hạn mức bảo hiểm tiền gửi từng thời kỳ là một trong những yếu tố quyết định đến hiệu quả triển khai chính sách, củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính và ngăn ngừa nguy cơ rút tiền hàng loạt, có thể đe dọa an toàn hoạt động ngân hàng. Vì vậy, việc duy trì hạn mức bảo hiểm tiền gửi phù hợp, hoặc điều chỉnh tăng hay giảm sẽ cải thiện niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống ngân hàng và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. |
Khải Trung