Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, Bộ NN&PTNT vừa họp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, DN nhập khẩu bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung thịt lợn, trong đó sẽ nhập khẩu khoảng 100.000 tấn thịt để bù đắp thiếu hụt.
Theo ông Dương, chúng ta thiếu thụt khoảng 200 nghìn tấn thịt lợn và Bộ Công Thương cũng đề xuất nhập khẩu khoảng 100 nghìn tấn trong dịp này để bù đắp lượng thiếu thụt.
“Lúc này, chúng tôi cũng ủng hộ phương án nhập, nhưng ở đây là vấn đề của thị trường, tùy nhu cầu thị trường thế nào thì doanh nghiệp mới nhập”, báo Tiền phong dẫn lời ông Dương.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, thịt do doanh nghiệp nhập về là thịt đông lạnh, phải rã đông mới bán được. Thực tế, nếu giá thịt lợn trong nước tới đây hạ xuống, cùng đó, người tiêu dùng tăng thịt bò, gia cầm, thủy sản… đây cũng là một “bài toán khó” cho doanh nghiệp nhập thịt. “Nếu bắt doanh nghiệp nhập về mà không tiêu thụ được thì cũng "chết", chưa kể giá lợn trong nước giảm xuống, cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Dương phân tích.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 67.000 tấn thịt lợn, tăng cao so với mức trung bình những năm trước (khoảng 15.000 tấn). Giá thịt lợn nhập khẩu tùy từng loại, nhưng tính trung bình cũng không thấp hơn nhiều so với “thịt nóng” ở trong nước hiện tại.
Trước đó, tại cuộc họp tổ điều hành thị trường trong nước tuần trước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương cho biết, nguồn cung thịt heo đến Tết Nguyên đán 2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn, khiến giá mặt hàng này tăng cao. Hiện bình quân giá thịt heo hơi tại các chợ đầu mối dao động 90.000-92.000 đồng/kg.
Tại Hà Nội, trao đổi với báo Người lao động, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, trong tháng Tết Nguyên đán, nhu cầu của toàn thành phố dự kiến vào khoảng 22.300 tấn thịt heo. Với tổng nhu cầu này, TP Hà Nội đáp ứng được trên 60%, số còn lại sẽ thu mua từ các đị phương khác để đảm bảo cho thị trường.
Theo bà Lan, hiện các bộ, ngành đã xác định nguồn cung thiếu hụt nên cần có kế hoạch để nhập khẩu thịt heo, trong đó các doanh nghiệp phải chủ động. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng đặt vấn đề có hay không tình trạng găm hàng, bán cầm chừng để đẩy giá. Trong trường hợp có, bà Lan kiến nghị cần có các giải pháp để xử lý, giảm giá thành.
Trong khi đó, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết đã làm việc với các địa phương lân cận để nắm tình hình cụ thể về số lượng heo. Các con số thống kê cho thấy tổng đàn heo đưa ra thị trường cung cấp cho toàn miền Nam giảm khoảng 50% so với đầu năm 2019. Cùng với đó, giá thịt heo trên địa bàn TP HCM tháng 12 đã tăng gấp gần 3 lần so với tháng 3.
Theo bà Trang, nếu trước đó giá thịt lợn hơi dao động 30 – 32.000 đồng/kg thì hiện nay, giá thịt heo hơi Công ty C.P công bố đã lên đến 83.000 đồng/kg, tuy nhiên mua trên thực tế lại có giá lên tới 90 – 93.000 đồng/kg.
Theo tính toán của địa phương này, trong 7 ngày Tết cần đến hơn 100.000 tấn thịt heo. Để bù đắp nguồn cung thiếu hụt, TP HCM đã triển khai nhiều giải pháp để người tiêu dùng thay đổi thói quen theo hướng sử dụng thêm các nguồn thực phẩm thay thế hoặc nguồn thịt heo mát, thịt heo đông lạnh.
Ngoài ra, tăng cường nhập khẩu thịt lợn để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước. Đến nay, TP HCM đã nhập khẩu hơn 13.000 tấn thịt lợn, tăng hơn 100% so với năm 2018. Thời gian tới, các doanh nghiệp trên địa bàn cam kết sẽ nhập khẩu thêm thịt heo.
Lê Lan (Tổng hợp)