Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 9, cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo phiên họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký của Quốc hội cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 là 21,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5/2017, dự kiến bế mạc vào ngày 20/6/2017, không kể ngày thứ 7 và Chủ nhật.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp được điều chỉnh như sau:
Rút 04 dự án luật ra khỏi dự kiến chương trình: Luật về hội; luật Bảo vệ bí mật nhà nước; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện để tiếp tục hoàn thiện.
Bổ sung 02 nội dung trình Quốc hội thông qua: Nghị quyết phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam-Lào; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Theo đó, dự kiến nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 như sau:
Công tác lập pháp: Xem xét, thông qua 13 dự án luật, 3 dự thảo Nghị quyết; cho ý kiến về 4 dự án luật (12,75 ngày).
Các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát (6,25 ngày).
Khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết (2,5 ngày).
Đối với đề nghị của Chính phủ về bổ sung 03 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp): Căn cứ kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 (sáng 19-4-2017), Tổng Thư ký Quốc hội sẽ điều chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho hay, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao về bổ sung Nghị quyết về hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và các đạo luật đã bị hoãn lại.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hạnh Phúc còn cho biết về đề nghị của Chính phủ về bổ sung 3 nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Các tổ chức tín dụng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu, dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại phiên họp hôm nay, Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉnh lý và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến chương trình kỳ họp cùng Công văn triệu tập kỳ họp trước ngày 22/4/2017 để kịp phục vụ tiếp xúc cử tri. Sau đó, sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp thứ 10 (tháng 5/2017).
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về cơ bản đồng tình với báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội.
Về bổ sung 3 nội dung của Chính phủ, theo Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng cần thiết phải xem xét Nghị quyết xử lý nợ xấu và Dự án Luật sửa đổi. Tuy nhiên, Chính phủ phải trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp thứ 9 này để kịp thẩm tra, có ý kiến trước. Đối với Dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân thì đây không phải là vấn đề bức xúc, đồng thời vẫn chưa có bất kỳ văn bản nào gửi đến Ủy banThường vụ Quốc hội nên có thể để lại.
Tại phần kết luận, Chủ tịch Quốc hội đồng tình quan điểm nâng thời gian chất vấn lên 3 ngày nhưng không mở rộng nội dung. Như vậy, nếu nhất trí vấn đề này, so với kỳ họp trước, thời gian chất vấn của Kỳ họp thứ 3 sẽ tăng nửa ngày.
Dương Thu