Thi tuyển từ thứ trưởng trở xuống để bộ máy chất lượng hơn
Tại buổi thảo luận tổ về triển khai thi hành các luật, Nghị quyết của Quốc hội (QH) mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, tình trạng luật đã có hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành ảnh hưởng tới việc đưa luật vào cuộc sống. Một trong những nguyên nhân chính để xảy ra tình trạng này là yếu tố con người. Tại tổ thảo luận có đại biểu Hải Phòng, ủy viên thường trực UB Tài chính - Ngân sách Lê Thanh Vân đề xuất thi tuyển cạnh tranh từ vị trí thứ trưởng trở xuống.
Theo ông Vân, quan chức cũng phải thi tuyển cạnh tranh chứ không chỉ công chức mới thi tuyển. Các chính trị gia phải qua bầu cử nhưng các viên chức hành chính cao cấp cũng phải thi tuyển. Từ thứ trưởng trở xuống phải thi tuyển cạnh tranh, có như thế bộ máy mới chất lượng, con người được nâng lên, thể chế pháp luật mới sản sinh ra được.
Việc thi tuyển sẽ giúp nâng cao đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao (ảnh minh họa).
Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Thị Khá khẳng định: Về vấn đề thi tuyển từ cấp thứ trưởng trở xuống, lãnh đạo cấp cao, tổng giám đốc doanh nghiệp Nhà nước mỗi người có một cách quan niệm khác nhau. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, kể cả các chức danh thứ trưởng cũng có thể bổ nhiệm theo hình thức thi tuyển. Bởi trên thực tế, thứ trưởng là người giúp việc về mặt chuyên môn cho bộ trưởng. Bộ trưởng là nhà chính trị, còn thứ trưởng là nhà chuyên môn, những người am hiểu sâu sắc về lĩnh vực mà mình phụ trách. Do đó, chỉ cần tuyển được người tài, có năng lực chuyên môn là phù hợp. Khi có những người chuyên môn giỏi cố vấn thì bộ trưởng sẽ đảm đương tốt hơn các công việc của mình. |
Lý giải cho việc đưa ra đề xuất này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng, ngay bây giờ, nếu muốn thi hành tốt các luật, Nghị quyết, Thông tư cần phải tăng cường năng lực cho bộ máy của QH, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là người đứng đầu. Bộ trưởng, thứ trưởng phải có tư duy của chính trị gia. Tức là họ phải hoạch định được các chính sách chứ không phải là nhân viên hành chính cao cấp. Chính vì con người như thế, nên trong cách "làm luật", chúng ta mang tư duy của một thợ sửa xe, tức là máy móc hỏng đến mức sai, thiếu đâu sửa đến đó, thay vì nghiên cứu ra động cơ… Tư duy ngắn hạn không cho phép chúng ta có cái nhìn xa hơn, rộng hơn, tổng thể và khoáng đạt. ĐBQH Vân dẫn chứng: "QH đang bàn trái phiếu Chính phủ, có tư duy nào mà vừa trình cách đây hơn một năm, bây giờ lại trình bổ sung thêm. Hay như Nghị quyết của QH vừa mới quy định danh mục công trình dự án trái phiếu Chính phủ, lập tức chưa đầy một năm sau lại bổ sung thêm 5 công trình dự án trái phiếu nữa".
Cũng nói về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Viết Nhiên cho rằng, các ủy ban của QH khi tuyển công chức phải chú trọng đến khâu chất lượng và chế độ lương nên theo cơ chế mở, có chế độ lương mềm. Khi làm tốt một nhiệm vụ, mình phải thưởng cho người đó một giá trị đích thực thì họ mới phát huy hết khả năng. Nếu chỉ 2,5 triệu đồng mỗi tháng thì làm sao người ta sáng tạo, làm tốt được.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các ĐBQH nêu lên ý kiến về việc thi tuyển lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước. Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, con người là nhân tố quyết định của mọi thắng lợi. Chính vì vậy, Chính phủ cần tổ chức thi tuyển chức danh giám đốc các doanh nghiệp, tổng công ty Nhà nước theo từng lĩnh vực và không có sự phân biệt. Ai có khả năng, có điều kiện đều được tham gia thi tuyển. Khi người trúng tuyển được lựa chọn vào làm phải có hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế rõ ràng. Chi phí lợi nhuận cũng phải công khai, đảm bảo phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngược lại nếu thua lỗ thất thoát thì phải chịu trách nhiệm, bồi thường trước pháp luật. Bên cạnh đó, người được tuyển này sau đó cũng phải có quyền tuyển chọn bộ máy, người giúp việc cho họ. "Nói như thế không phải là phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng trong DNNN, mà ngược lại Đảng phải đóng vai trò chỉ đạo, quy tụ, đoàn kết trong toàn đơn vị, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng trong công tác lãnh đạo", ĐB Khá nói.
Ảnh minh hoạ
Cần phải làm nghiêm túc
Trao đổi với PV về vấn đề này, một lãnh đạo từng công tác tại bộ Nội vụ (đề nghị không nêu tên-PV) cho rằng: "Thời gian gần đây, báo chí cũng thông tin rất nhiều đến việc thi tuyển lãnh đạo cấp cao của các địa phương trong đổi mới công tác cán bộ. Tôi được biết, mới đây, cán bộ, đảng viên và nhân dân biết được các tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thái Bình đã thực hiện thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và cấp sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh. Các tỉnh Quảng Nam, Bắc Ninh và Đồng Tháp cũng sẽ triển khai việc làm này. Theo tôi đánh giá, việc các địa phương tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, thi tuyển là một cách làm mới, có thể chọn được người thực tài hơn so với cách làm công tác cán bộ truyền thống. Thi tuyển cũng sẽ hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền vốn đang là vấn đề bức xúc trong dư luận hiện nay".
Cũng theo vị này, trước tình trạng công tác cán bộ đang còn nhiều biểu hiện bất cập và đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính đột phá. Và, chính những cán bộ, lãnh đạo các cơ quan Nhà nước cũng cần phải là người có tài hoạch địch chính sách.
"Mặc dù nhiều người cho rằng việc thi tuyển vào vị trí cán bộ lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tổng công ty Nhà nước sẽ góp phần khắc phục được các tiêu cực nhưng chúng ta phải chắc chắn được rằng đây là cuộc thi nghiêm túc. Nếu đề xuất của các ĐBQH được thông qua, điều tôi lo lắng là có xuất hiện những cá nhân muốn biến cuộc thi trở thành thứ bình phong hợp lý hóa cho ý đồ cá nhân của mình. Liệu những người trong hội đồng thi có bị mua chuộc, bị điều phối hay không. Trong hoàn cảnh này, liệu có ai dám chắc việc tổ chức thi sẽ hạn chế được tình trạng chạy chức, chạy quyền", nguyên lãnh đạo bộ Nội vụ chia sẻ.
Văn Chương - Trinh Phúc