28 năm kể từ khi ra đời (1985), BLHS đã trải qua bốn lần sửa đổi, bổ sung (1989, 1997, 1999, 2009), trong đó có một lần sửa đổi toàn diện năm 1999. “Từ BLHS 1985 đến BLHS 1999, đụng điều nào chúng ta cũng có thể bình rằng điều đó có những bất cập” - nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế đã thẳng thắn nhận xét như vậy tại cuộc họp tham vấn ý kiến chuyên gia về những định hướng lớn khi sửa đổi BLHS 1999 do Bộ Tư pháp vừa tổ chức.
Yêu cầu cấp thiết
Theo dự thảo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLHS của Bộ Tư pháp, một trong những hạn chế, bất cập của bộ luật hiện hành là chỉ định trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Trong khi đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp sự an toàn, tính mạng, sức khỏe của cộng đồng, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như đầu cơ, trốn thuế, kinh doanh trái phép, buôn lậu, vi phạm các quy định về hoạt động ngân hàng, chứng khoán, bảo vệ môi trường, bảo hộ lao động. Vì vậy, Bộ Tư pháp đề xuất cần xử lý hình sự chủ thể là pháp nhân trong các trường hợp trên để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Đồng tình, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ cho rằng nếu coi pháp nhân là chủ thể tội phạm sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc trong thực tiễn, nhất là bảo vệ kịp thời lợi ích người bị thiệt hại bằng thủ tục tư pháp hình sự. Tuy nhiên, ông Độ lưu ý cần nghiên cứu kỹ nhiều vấn đề như loại pháp nhân nào mới được coi là chủ thể tội phạm, điều kiện trách nhiệm hình sự pháp nhân là gì, chế tài đối với pháp nhân ra sao để quy định có tính hiệu quả và khả thi.
Không quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân là một trong những hạn chế, bất cập của bộ luật hiện hành. Trong ảnh: Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới. Ảnh: CTV
“Truy cứu trách nhiệm hình sự với pháp nhân là cần thiết. Nhưng xác định hình phạt đối với pháp nhân như thế nào? Giải thể trong trách nhiệm hình sự có khác giải thể trong kinh tế hay không? Nếu tuyên bố giải thể có hiệu lực ngay thì hậu quả về mặt tài sản và các nghĩa vụ khác của pháp nhân như thế nào?” - luật sư Nguyễn Minh Tâm (Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam) băn khoăn.
Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân quy định trong BLHS chỉ nên bao gồm với các tội về kinh tế, thuế, chứng khoán, môi trường. Trong đó, pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ bao gồm các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp.
Nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp đề xuất, chế tài áp dụng đối với pháp nhân là giải thể pháp nhân, cấm phát hành séc, cấm có thời hạn hoặc vô thời hạn một số lĩnh vực hoạt động… Ông Phạm Công Hùng bổ sung: Ngoài hình phạt chính, cần áp dụng hình phạt bổ sung như tịch thu tài sản, phạt tiền khi không coi đó là hình phạt chính.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết Bộ Tư pháp rất quyết tâm đưa vấn đề này vào dự thảo BLHS sửa đổi nên đã xây dựng thành một đề án nghiên cứu. Cũng theo ông Liên, đây đã trở thành một yêu cầu quốc tế khi Việt Nam đang bị đe dọa đưa từ “danh sách xám” xuống “danh sách đen” những nước không có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nạn rửa tiền. “Nếu rơi vào danh sách đen thì hoạt động của ngân hàng vô cùng phức tạp” - ông Liên nói thêm.
Bắt cướp gây thiệt hại được loại trừ trách nhiệm?
Một vấn đề khác cũng được đưa ra thảo luận là việc mở rộng phạm vi áp dụng chế định loại trừ trách nhiệm hình sự.
BLHS hiện hành quy định các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự sau: Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác; sự kiện bất ngờ; tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.
Nhóm nghiên cứu của Bộ Tư pháp cho rằng thực tế còn nhiều trường hợp khác cũng cần phải loại trừ trách nhiệm hình sự như gây thiệt hại khi thi hành chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; rủi ro nghề nghiệp trong sản xuất, thí nghiệm khoa học hoặc trong khi bắt, giữ người phạm tội quả tang, đang bị truy nã mà gây thiệt hại cho người bị bắt…
Đồng tình, Thẩm phán Phạm Công Hùng lập luận: Nhiều người dân đang có thái độ bàng quan, cam chịu, không dám tự vệ hoặc không dám tấn công lại tội phạm một phần do sợ bị trách nhiệm hình sự. “BLHS quy định loại trừ trách nhiệm hình sự trong trường hợp này sẽ là giải pháp chống tội phạm rất tốt” - ông Hùng nói.
Dẫn hoạt động của đội ngũ săn bắt cướp tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Kim Thoa (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính - Bộ Tư pháp) cũng cho rằng cần có cơ chế để bảo vệ những người này.
Lại tranh luận về phòng vệ chính đáng
Liên quan đến vấn đề loại trừ trách nhiệm hình sự, các chuyên gia đã phân tích khá nhiều về Điều 15 BLHS (phòng vệ chính đáng).
Ông Đinh Văn Quế cho rằng vướng mắc trong thực tiễn áp dụng là hiểu như thế nào là “chống trả lại một cách cần thiết”; ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng về chính đáng; vượt quá như thế nào thì bị tội giết người hay tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96, Điều 106 BLHS).
“Đến nay, tôi vẫn rất day dứt khi nghĩ về một vụ án tôi được phân công xử một cán bộ kiểm lâm bị truy tố về tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tôi còn nhớ rất rõ sự lúng túng của tôi và các thành viên hội đồng xét xử khi thảo luận nghị án về chuyện khi nào thì cần thiết được dùng súng chống trả để loại trừ trách nhiệm hình sự cho anh ấy” - Thẩm phán Phạm Công Hùng nhớ lại. Ông bức xúc: “Khái niệm “chống trả lại một cách cần thiết” trong Điều 15 rất trừu tượng. Điều này đang cản trở nhiệt tình tấn công tội phạm của công an, kiểm lâm”.
“Những vướng mắc này có muốn quy định trong BLHS cũng khó vì thuộc về lý luận và do nhận thức của mỗi người” - ông Quế nói. Thứ trưởng Hoàng Thế Liên thì đề xuất: Với một số trường hợp như cướp có vũ khí, hiếp dâm…, nên quy định thẳng nạn nhân chống lại gây chết người, gây thương tích cho thủ phạm thì vẫn được loại trừ trách nhiệm hình sự.
Né bồi thường Cần có quy định phân biệt loại trừ trách nhiệm hình sự (không phạm tội) với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự. Thực tiễn xét xử đã có nhiều trường hợp lẽ ra phải đình chỉ vụ án vì hành vi không cấu thành tội phạm nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại miễn trách nhiệm hình sự để né bồi thường. ÔngĐINH VĂN QUẾ, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao Giúp người khác tự sát sẽ không bị tội? Hiện nay có trường hợp người bị bệnh nặng nhờ người khác mua giúp thuốc ngủ để giải thoát đau đớn. Theo luật hiện hành như vậy là phạm tội giúp người khác tự sát. Nếu vì quyền con người thì phải đặt ra vấn đề có quyền sống thì tại sao không có quyền chết? Tuy nhiên, để thực hiện được điều này phải có nhận thức đột phá, khi thực sự coi con người là trung tâm. ÔngNGUYỄN QUỐC VIỆT, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính |
Theo Đức Minh (Pháp luật TP HCM)