Cafe Cộng của ca sĩ Linh Dung nằm ở phường Trung Hòa (Cầu Giấy - Hà Nội). Khi vừa bước vào quán, đập vào mắt khách là hình cờ đỏ sao vàng, hình các vị lãnh tụ như Karl Marx, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Filden Castro nhưng bị... chế thành như những diễn viên hề quảng cáo đồ uống. Họ bị mặc những bộ quần áo màu đỏ, đen, cầm cốc coca và đội những chiếc mũ chóp nhọn hài hước.
Khẩu hiệu "Học, học nữa, học mãi" của Lenin bị chế thành "Cộng, cộng nữa, công mãi".
Những khẩu hiệu, câu nói nổi tiếng của các lãnh tụ cũng bị xuyên tạc và đem làm vật trang trí ở quán cafe này. Khẩu hiệu “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin biến thành "Cộng, cộng nữa, công mãi". Câu thơ nổi tiếng của Hồ Chí Minh, "Tiến lên, toàn thắng ắt về ta" cũng bị chế thành "Ngồi im... toàn thắng ắt về ta".
Câu thơ này nằm trong bài thơ chúc Tết Mậu Thân 1968 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh phát trên sóng phát thanh quốc gia. Đây cũng chính là hiệu lệnh phát động cuộc tổng tấn công mùa xuân năm Mậu Thân 1968. Có thể nói, đây là bài thơ thể hiện quyết tâm chiến đấu và chiến thắng không chỉ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nó còn đại diện cho ý chí kiên cường của cả dân tộc Việt Nam đối với kẻ thù.
Bản thực đơn của quán cafe này cũng cần phải nói, bởi nó được chế từ cuốn Lê-nin toàn tập. Ngoài bìa, menu này giống hệt tác phẩm nổi tiếng trên, cũng có chữ Lê-nin toàn tập và ảnh ông, nhưng bên trong không phải là nội dung xây dựng xã hội XHCN mà là các loại thức ăn, đồ uống... Chủ quán còn dán thêm tờ giấy nâu vỏ bao xi măng hay ghi trực tiếp tên đồ uống bằng bút dạ to lên trang sách, tạo nên sự nhem nhuốc làm người đọc thấy sự thiếu tôn trọng một tài sản tri thức có giá trị trên toàn thế giới.
Các vị lãnh tụ bị chế thành... người quảng cáo cho các món đồ uống.
Sách của Lê-nin là những giá trị về tư tưởng, đạo đức, lý luận chính trị… Vậy mà ca sĩ Linh Dung đã biến một cuốn sách với biết bao giá trị về lý luận, đạo đức thành một quyển thực đơn.
Ngoài ra, cafe Cộng cũng được chủ nhân của nó bài trí với phong cách “thời chiến”. Hòm thuốc súng làm bàn uống nước, hộp tiếp đạn làm ghế… Hình ảnh người dân trong các ấp chiến lược trong kế hoạch “Chiến tranh đặc biệt” dồn dân lập ấp của Đế quốc Mỹ những năm 60 của thế kỷ trước cũng được giăng đầy quán. Hình ảnh về chiến tranh, hình ảnh về quân Mỹ Ngụy cũng được treo khắp tường.
Cách bài trí ở đây khiến nhiều người hết sức bức xúc và thấy rằng đây là sự xúc phạm tới lãnh tụ và lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, ca sĩ Linh Dung lại bình thản trước những phản ứng trên. Cô nói: "Tôi không có bất cứ giải thích nào về vấn đề này. Mỗi người đều có những quan điểm khác nhau, không thể vừa lòng hết mọi người. Việc kinh doanh của tôi đều bắt nguồn từ những ý nghĩ trong sáng chứ không phải là phản động".
Cuốn menu của quán được chế từ cuốn "Lê-nin toàn tập".
Cô còn cho biết logo của quán đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản quyền sáng chế và "tôi cũng đã in một bản gửi lên UBND phường Yên Hòa, các lãnh đạo có thấy phản ứng gì đâu?".
Ca sĩ Linh Dung từng nổi tiếng với bài hát "Vì một thế giới ngày mai" trong kỳ đại hội Sea Games 22. Năm 2010, nhóm nhạc Đại - Lâm - Linh cũng làm báo chí tốn kha khá giấy mực khi trình diễn trong bộ trang phục của nhà tu hành, đầu trọc và hát thứ âm nhạc lạ lẫm như lên đồng.
Trước thông tin trên, ông Tô Văn Động - GĐ Sở Văn hóa Hà Nội cho biết: "Sở đã nắm được thông tin và đang phối hợp với cơ quan công an (PA83) để kiểm tra báo cáo thành phố".
Ông Động nhấn mạnh, việc làm của quá cafe Cộng là hoàn toàn không đúng, sẽ phải xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, xử lý thế nào thì phải do cơ quan công an quyết định.
Về vụ việc này, ca sĩ Linh Dung "không có bất cứ giải thích nào về vấn đề này. Mỗi người đều có những quan điểm khác nhau, không thể vừa lòng hết mọi người".
Ông Động cho biết, quán cafe Cộng ở Trung Hòa chỉ là một trong những quán nằm trong cả một chuỗi của cafe Cộng. Trước đó, cơ quan này cũng đã phát hiện một quán ở Triệu Việt Vương.
"Quan điểm của Sở là phải được xử lý quyết liệt, vì vấn đề này còn liên quan tới cả vấn đề an ninh và chính trị nên phải báo cáo kiến nghị thành phố xử lý", ông Động cho hay.
Trường Giang