Theo ghi nhận của phóng viên ngày 3/2, nhiều quầy thuốc ở các tầng 1,2,3 chợ thuốc Hapulico trên đường Nguyễn Huy Tưởng (Thanh Xuân, Hà Nội) bất ngờ treo biển hiệu với nội dung "không bán khẩu trang, nước rửa tay, xin miễn hỏi".
Thực tế nhu cầu mua khẩu trang phòng virus Corona của người dân vẫn còn rất cao, tuy nhiên khi tới mua thấy biển báo như trên nhiều người đành ngậm ngùi quay trở về, hoặc tìm các cửa hàng khác. Trước đó tại chợ thuốc này, vào ngày 31/1, đã xảy ra tình trạng hàng trăm người chen nhau mua khẩu trang, tạo nên cảnh chen lấn, xô đẩy chưa từng có tại đây.
Do nhu cầu mua tăng cao, nhiều quầy tại đây cũng như nơi khác đã đẩy giá khẩu trang lên cao nhiều lần so với thường ngày. Sau khi tiếp nhận thông tin cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử phạt hàng loạt cửa hàng vi phạm.
Trước sự việc nhiều quầy thuốc tại chợ thuốc Hapulico đồng loạt treo biển “không bán khẩu trang", ngày 3/2, trao đổi với PV, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra các nhà thuốc tại đây.
"Chúng tôi đang phối hợp với công an kinh tế để kiểm tra, trường hợp phát hiện trong kho vẫn còn hàng nhưng nhà thuốc treo biển không bán là cố tình găm hàng và sẽ bị xử theo quy định pháp luật. Đặc biệt khi Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo, những trường hợp nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm, hành động này là hành động găm hàng, vô đạo đức.
Hành động cố tình găm hàng, đầu cơ hàng không bán cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định pháp luật. Chúng tôi sẽ kiểm tra những trường hợp cố tình như vậy", ông Kiên nhấn mạnh.
Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, trong 2 ngày từ 1-2/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã xử phạt 85 trường hợp vi phạm về tăng giá bán khẩu trang quá mức với tổng số tiền xử phạt gần 89 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề các hiệu thuốc lợi dụng dịch bệnh, cố tình đẩy giá khẩu trang nhằm thu lợi nhuận riêng, luật sư Lê Minh Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Việc lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá vật tư y tế lên cao là không thể chấp nhận được và cần bị xử lý thích đáng, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự".
Theo đó, luật sư Đức cho biết, Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có quy định rõ về mức xử phạt đối với "Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý".
Cụ thể, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Thậm chí, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý về Tội đầu cơ.
Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Minh Đức cũng phân tích rõ, hành vi "mua vét hàng hóa" trong tội đầu cơ không đòi hỏi phải mua bằng hết hàng hoá ở một địa bàn, một vùng nhất định mà chỉ cần mua với số lượng lớn để bán lại trục lợi đã bị coi là đầu cơ. Ngoài ra, việc mua vét hàng hoá phải xảy ra trong thời điểm khan hiếm loại hàng hoá đó tại địa bàn mà người phạm tội mua vét. Nếu mua vét nhưng mặt hàng đó không khan hiếm thì cũng chưa phải là đầu cơ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.