Người bị kết tội “Chống người thi hành công vụ” trong vụ án này đã có đơn kêu cứu gửi tới Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. Ngày 25/5, trao đổi với phóng viên, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang hứa sẽ xem xét, chỉ đạo giải quyết vụ việc này một cách thấu tình đạt lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang. |
Đủ căn cứ khẳng định cán bộ Công an huyện Từ Liêm vi phạm
Sự việc xảy ra vào sáng 11/12/2012, khi Tổ công tác Cảnh sát trật tự Đồn Công an số 19 (Từ Liêm, Hà Nội) gồm 3 cảnh sát là Nguyễn Thanh Tài, Vũ Tiến Hùng và Vũ Đình Thành đi làm nhiệm vụ xử lý vi phạm trật tự trên tuyến đường Phạm Văn Đồng. Thấy quán phở “Hoa” ( số 13 Phạm Văn Đồng) kê bàn ghế lấn chiếm vỉa hè, tổ công tác nhắc nhở và tiến hành thu giữ bàn ghế đưa lên xe ô tô.
Thấy vậy, Vũ Kim Hoa (chủ quán Phở) chạy ra giằng lại bàn ghế. Hai bên lời qua tiếng lại. Theo phản ánh của Công an viên Vũ Tiến Hùng, lúc bức xúc, Vũ Kim Hoa đã cầm bát phở khách ăn xong ở bàn hắt 1 ít nước phở vào người anh này và có những lời nói khiếm nhã, lăng mạ Tổ công tác.
Ngay sau đó, Hoa bị Tổ Công tác lôi lên xe, bị cơ quan CSĐT CA huyện Từ Liêm tạm giữ 3 ngày và đến ngày 19/12/2012 thì có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “chống người thi hành công vụ”.
Theo quy định tại điểm d, khoản 5 Điều 31 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008, chỉ Trưởng Đồn công an mới có quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Công an viên Vũ Tiến Hùng không phải là Đồn trưởng, chỉ là một Tổ trưởng Tổ công tác nên không được phép thu giữ bàn ghế mà phải lập biên bản vi phạm theo quy định tại Điều 55 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, Tổ công tác do anh Vũ Tiến Hùng làm Tổ trưởng đã không lập biên bản vi phạm hành chính mà thu giữ luôn bàn ghế của gia đình Vũ Kim Hoa. GS.TS Đỗ Ngọc Quang, một chuyên gia về luật Hình sự khẳng định: “Hành vi này của Vũ Tiến Hùng và các thành viên khác trong Tổ là lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Đây cũng là nhận định của PLVN tại số báo 92(5249) ra ngày 2/4.
Cũng theo quan điểm của phóng viên, việc Công an huyện Từ Liêm khởi tố Vũ Kim Hoa về tội “chống người thi hành công vụ” là đã hình sự hóa một vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/9/2012 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người có hành vi cản trở việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ bị:
“Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ”.
Chiếu theo các quy định này, việc Vũ Kim Hoa có lời nói lăng mạ, thậm chí hắt ít nước phở vào người công an Vũ Tiến Hùng cũng chỉ là vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Công an huyện Từ Liêm lại khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Kim Hoa về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Phó trưởng Công an huyện “vẽ” thêm tình tiết vụ án
Trong Công văn của Công an huyện Từ Liêm gửi phóng viên ngày 27/5, Thượng tá Nguyễn Văn Lân - Phó Trưởng Công an huyện Từ Liêm - khẳng định: “Quá trình bắt giữ và điều tra đối với Vũ Kim Hoa về hành vi “Chống người thi hành công vụ”, Công an huyện Từ Liêm đã tiến hành đúng quy trình, thủ tục, đúng pháp luật”.
Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Văn Lân không giải thích được tại sao Tổ công tác do anh Vũ Tiến Hùng làm Tổ trưởng đã không lập biên bản vi phạm hành chính mà thu giữ luôn bàn ghế của gia đình Vũ Kim Hoa.
Phó Trưởng Công an huyện Từ Liêm cũng không giải thích được tại sao vi phạm của Vũ Kim Hoa hoàn toàn có thể xử lý vi phạm hành chính đúng theo quy định của pháp luật nhưng Công an huyện Từ Liêm lại khởi tố về tội “Chống người thi hành công vụ” trong khi các chứng cứ để khởi tố về tội này không chặt chẽ.
Ly kỳ hơn, trong Công văn gửi phóng viên, Phó Trưởng công an huyện Từ Liêm đã “vẽ” thêm tình tiết “Vũ Kim Hoa cầm chiếc bát ô tô ném vào người (lưng) đồng chí Hùng làm chiếc bát rơi vỡ” trong khi tình tiết này hoàn toàn không có trong Bản kết luận điều tra vụ án số 86/KLĐT do chính Thượng tá Nguyễn Văn Lân ký. Tình tiết này cũng hoàn toàn không có trong Cáo trạng số 73/CT-VKS của VKSND huyện Từ Liêm cũng như Bản án số 95/2012/HSST của TAND huyện Từ Liêm.
Hơn ai hết, Thượng tá Nguyễn Văn Lân và những người làm công tác thi hành pháp luật đều hiểu đây là một tình tiết vô cùng quan trọng, có thể làm thay đổi hoàn toàn tính chất vụ án (có hay không việc dùng vũ lực – PV). Không biết Thượng tá Nguyễn Văn Lân tin tưởng cấp dưới quá nên anh em báo cáo gì nghe vậy hay cố tình “vẽ” thêm tình tiết để chứng minh rằng việc Công an huyện Từ Liêm khởi tố người dân vi phạm hành chính về tội “Chống người thi hành công vụ” là đúng pháp luật?.
Trao đổi với phóng viên phóng viên, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an - khẳng định, ông rất quan tâm tới phản ánh của nhân dân và báo chí về các mặt hoạt động của ngành Công an, nhất là những việc tác động trực tiếp tới đời sống, số phận của người dân. Đại tướng Trần Đại Quang cho biết, ông sẽ nghe báo cáo lại toàn bộ vụ việc, sớm trả lời PLVN và trả lời Đơn kêu cứu của người dân.
Theo Hoàng Thúy(Pháp luật Việt Nam)