Được biết, với quy định này, trẻ vào lớp 1 được học sớm hoặc muộn hơn so với tuổi, phụ thuộc vào "nhận định" của phụ huynh.
Cụ thể, tuổi của học sinh tiểu học từ 6 đến 14 tuổi (tính theo năm). Tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi; trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa; trẻ em trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi.
Ảnh minh họa
Cũng theo dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung điều lệ trường học, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục thực hiện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường; Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: Các đại diện của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội; Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Học sinh trong độ tuổi tiểu học ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi xin ý kiến đóng góp theo đúng quy định, dự thảo sẽ ban hành chính thức và được thực hiện ngay trong năm 2012.
Trao đổi với PV Người đưa tin về vấn đề này, TS. Nguyễn Kim Dung, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho biết, từ trước đến nay, người dân Việt Nam đã quá quen với việc trẻ em 6 tuổi bước vào lớp 1. Đây là một vấn đề đã ăn sâu vào tiềm thức của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, thực tế cũng có một vài trường hợp ngoại lệ đi học sớm hoặc muộn hơn so với lứa tuổi ấy. "Mới đây, tôi cũng nghe việc Bộ GD&ĐT đang có dự thảo bỏ quy định 6 tuổi vào lớp 1. Nhiều người nhận định, đây sẽ là cái "cớ" để các bậc phụ huynh cho con mình đi học trước tuổi, nuôi mộng sớm biến con thành thiên tài. Tuy nhiên, Bộ cũng cần cân nhắc kỹ", chuyên gia này nói.
Theo TS. Dung, trong vấn đề này Bộ GD&ĐT phải có quy định thành lập một hội đồng để tư vấn cho các bậc phụ huynh và đánh giá năng lực thực của trẻ. Họ cần phải kiểm chứng em nào có đủ khả năng để tiếp thu tốt kiến thức lớp 1 khi chưa đủ tuổi?. Việc các bậc phụ huynh cho con đi học sớm hơn tuổi chỉ là thiểu số. Bởi là cha, mẹ, họ cũng có thể tự đánh giá được sự phát triển của con cái mình đến đâu. Từ trước đến nay, các chuyên gia giáo dục cũng tư vấn rất nhiều đến tác hại của việc đi học trước tuổi.
Lo ngại phụ huynh chần chừ đưa con tới trường Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ quy định trẻ 6 tuổi vào lớp 1 có thể khiến nhiều gia đình chần chừ việc đưa con tới trường. Chắc chắn sẽ có bậc phụ huynh để con em mình 8-9 tuổi mới đi học tiểu học. Điều này không thực sự tốt cho trẻ. Bởi đến lúc này, việc tiếp thu kiến thức của trẻ là quá muộn, trẻ sẽ phát triển trí tuệ chậm hơn so với những học sinh khác. Đây là thực trạng các trẻ em ở miền núi, các vùng dân tộc thiểu số ở nước ta. |
Văn Anh-Trinh Văn Luân