Đến hẹn lại... sốc
Thiếu ổn định và chiến lược phát triển xuyên suốt là những gì người ta được chứng kiến lâu nay qua các kỳ Đại hội thể thao khu vực. Từ SEA Games 25 tại Lào đến SEA Games 26 tổ chức trên đất Indonesia, số môn nằm trong chương trình thi đấu chính thức đã bị thay đổi đến 1/3. Thế nghĩa là hàng trăm VĐV mất cơ hội cọ xát và hàng chục môn thể thao luôn chỉ được mang ra ánh sáng một lần rồi biến mất không tăm tích, nhằm phục vụ cho mục tiêu kiếm huy chương của nước chủ nhà. SEA Games 25, nhờ cách cơ cấu môn thi đấu, Lào giành vị trí cao nhất trong lịch sử trên bảng xếp hạng toàn đoàn. Trong khi đó, Indonesia thậm chí dẫn đầu SEA Games 26 với khoảng cách cao kỷ lục so với các nước còn lại. Bản thân Việt Nam, cũng từng trải qua cảm giác này khi đăng cai SEA Games 23 và lập kỷ lục về số huy chương.
SEA Games 27 sẽ lại xuất hiện những môn thể thao "lạ hoắc"
Nhưng ngay cả khi nhắc lại sự thật đó, nhiều người vẫn bị sốc nặng trước những thông tin mà Myanmar hé lộ về việc thay đổi hàng loạt môn thi đấu tại SEA Games 27 mà họ đăng cai. Trên thực tế, Lào hay Indonesia dù thêm vào nhiều môn thể thao được coi là thế mạnh, thì họ ít nhất vẫn duy trì các môn nằm trong hệ thống Olympic. Với cách tổ chức như vậy, sự dị nghị từ phía các đoàn tham dự cũng ít hơn. Đồng thời, nó đảm bảo tương đối cho Đại hội có sức cạnh tranh và xa hơn là hướng tới các mục tiêu lớn hơn như ASIAD hay Olympic. Song đến Myanmar, thì những yếu tố căn bản nhất của một kỳ Đại hội thể thao chính thống lớn nhất khu vực cũng bị phá phỏ.
Theo thông báo mới nhất của nước chủ nhà SEA Games 27, thì họ dự định không đưa bóng bàn, thể dục dụng cụ (TDDC), hockey trên cỏ, quần vợt vào danh sách thi đấu của Đại hội. Bên cạnh đó, một số môn khác như bóng đá nữ (Myanmar có đội tuyển nhưng đã sa sút những năm qua) hay bắn súng (môn thi đấu Việt Nam và Thái Lan cực mạnh) hầu như cũng sẽ bị gác lại. Chẳng có bất kỳ tiêu chí nào được đưa ra giải thích cho dự kiến loại bỏ khiến cả làng thể thao khu vực choáng váng này. Trong khi đó, chính báo chí Myanmar cũng hé lộ, họ đang chờ đón 17 môn thi đấu khác được coi là thế mạnh đặc thù của nước mình được cài vào chương trình Đại hội. Nếu điều này là sự thật, thì Myanmar, một lần nữa, đã làm cái việc mà nhiều nước chủ nhà SEA Games khác từng làm là tận dụng tối đa quyền quyết định của mình.
Nhiều ý kiến đánh giá rằng có lẽ cần phải chờ đến Hội nghị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á sắp tới. Khi đó, Myanmar sẽ phải thông báo chính thức lại các môn thi đấu dự kiến tại SEA Games 27, cũng như kế hoạch chuẩn bị cho các công tác tổ chức cần thiết của họ. Đại diện Thái Lan, Singapore, Indonesia đều khẳng định rằng họ sẽ phản đối quyết liệt, nếu Myanmar kiên quyết loại bóng bàn, bắn súng hay bóng đá nữ. Tuy nhiên, chờ đến thời điểm ấy cho một phản ứng chính thức e là quá muộn. Bởi như phương thức truyền thống lâu nay, đã tồn tại như một sự kìm hãm tốc độ phát triển của thể thao khu vực, thì các nước tham gia và ngay chính Liên đoàn thể thao Đông Nam Á lại không có quyền phủ quyết quy hoạch các môn thi đấu của nước chủ nhà SEA Games. Myanmar, nếu bị ép và không muốn thay đổi theo hướng có lợi cho các đoàn khác, sẽ viện dẫn muôn vàn lý do của riêng mình (không có cơ sở vật chất hay lực lượng chẳng hạn - PV) để từ chối đưa các môn thi đấu mà họ không mong muốn vào chương trình Đại hội.
Biến dạng SEA Games
Thể dục dụng cụ, môn thể thao nằm trong danh sách đen mà Myanmar dự định áp dụng tại SEA Games 27 từng giúp Thể thao Việt Nam giành đến 11 huy chương Vàng tại SEA Games 26. Cũng môn thể thao đó, chúng ta có 2 suất tham dự Olympic London và gần đây, tiếp tục gặt hái hàng loạt thành công ở cấp độ thế giới lẫn châu lục. Bắn súng cũng là môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic mà chúng ta rất có thế mạnh. Mỗi kỳ SEA Games, số huy chương Vàng mà bắn súng mang về thường đóng góp đáng kể cho bảng thành tích chung của Thể thao Việt Nam. Bóng đá nữ cũng là môn mà nếu thi đấu, đội tuyển của chúng ta cầm chắc huy chương (thậm chí là huy chương Vàng). Tính giản lược những môn mà Myanmar định loại khỏi chương trình Đại hội, Việt Nam sẽ mất không dưới 30 HCV, một con số khủng khiếp. Dĩ nhiên là không chỉ Việt Nam, Thái Lan, Singapore hay Indonesia, Malaysia cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì quyết định của Myanmar. Singapore chẳng hạn. Quốc đảo Sư tử nhiều năm qua thống trị môn bóng bàn ở các kỳ SEA Games. Quyết định của Myanmar, vì thế có thể khiến họ mất cả chục huy chương Vàng. Thái Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự nếu bắn súng bị loại.
Myanmar có thể sẽ thực hiện những động thái hậu trường khác để xoa dịu. Luật bất thành văn ở các kỳ Đại hội thể thao khu vực là nước chủ nhà muốn đưa môn mới, môn đặc sản của mình vào SEA Games sẽ phải vận động ít nhất 2 nước khác cùng tham gia. Myanmar dự kiến đưa 17 môn mới đặc thù của họ vào SEA Games 27, thì các nước còn lại cũng sẽ được lại quả không ít để giúp họ đạt mục đích. Nhưng thực tế, số huy chương rơi vãi này không giúp ích gì nhiều cho sự cạnh tranh chuyên môn thuần túy giữa các đoàn, càng không hề có lợi cho mục tiêu phát triển lâu dài của thể thao khu vực. Nói trắng ra, SEA Games, với việc hàng loạt môn thể thao Olympic truyền thống bị gác lại, trong khi xuất hiện đến cả chục môn thi đấu lạ hoắc, lạ huơ là một thảm họa làm méo mó và suy giảm nghiêm trọng uy tín, vốn đã xuống rất thấp của kỳ Đại hội thể thao khu vực này.
Còn một cơ hội nữa để các đoàn thay đổi cục diện, buộc Myanmar hủy bỏ kế hoạch tổ chức kỳ cục của họ. Tuy nhiên, cơ hội ấy là rất nhỏ, nếu không muốn nói là bất khả thi. Như mọi lần, việc nước chủ nhà hé lộ sẽ loại cả loạt môn thế mạnh của các nước khác, thường là cách để họ chiếm thế thượng phong khi ra Hội nghị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á. Khi đó, Singapore muốn đưa bóng bàn vào sẽ phải chấp nhận tham gia cùng Myanmar ở một hay vài môn địa phương nào đó. Việt Nam hay Thái Lan thì cũng không khác nhiều. Sự thỏa hiệp, vẫn là viễn cảnh dễ thấy nhất trước Hội nghị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á sắp tới. Và khi đó, SEA Games 27 một lần nữa sẽ lại diễn ra với đúng tư thế của một ngày hội ao làng, nơi Myanmar chắc chắn kiếm số huy chương kỷ lục và các đoàn còn lại, ai cũng có sự hài lòng nhất định với mục tiêu riêng của mình.
SEA Games đã kéo lùi thể thao Đông Nam Á như thế nào Sự thiếu chuyên nghiệp, tính chất thời vụ mà các kỳ SEA Games đang phải hứng chịu đã làm ảnh hưởng ghê gớm đến thành tích, khả năng cạnh tranh của Thể thao Việt Nam trên các đấu trường lớn. Việt Nam đã từng thất bại thảm hại ở ASIAD 2010 ra sao, hẳn nhiều người còn chưa quên. Nhưng nếu phải tìm ra một dẫn chứng sinh động, thì Olympic London 2012 vừa qua có thể mang lại cho những người còn lạc quan sự đánh giá chính xác nhất. Đoàn thể thao Việt Nam đến London với số VĐV kỷ lục mà chỉ dám đặt mục tiêu giành một huy chương. Rốt cuộc, hầu hết các VĐV của chúng ta bị loại sớm và một thiểu số VĐV được kỳ vọng thì cũng gây thất vọng não nề. Việt Nam trắng tay tại Thế vận hội và một lần nữa, tín hiệu báo động về sự cần thiết của một cuộc cách mạng nhằm thay đổi chiến lược phát triển cho mục tiêu Olympic lại được gióng lên. Thái Lan cũng không khá khẩm hơn. Cũng giống như Việt Nam, Thái Lan đến Olympic bằng lực lượng hùng hậu và mục tiêu giành 11 HCV. Nhưng cái đích ấy, nhanh chóng bị sập bởi hàng loạt thất bại. Kết thúc Olympic London 2012, thành tích của cả khu vực Đông Nam Á là "trắng" huy chương Vàng, rất ít huy chương Bạc và Đồng. Đấy chính là thước đo chuẩn xác nhất và cũng cay đắng nhất về trình độ thực của vùng trũng. Thái Lan, Malaysia sau thất bại ấy đã ngầm bắn tín hiệu sẽ không đua theo cuộc đua thành tích ở SEA Games nữa. Còn Việt Nam? |
Minh Trí