Đại diện cho Đoàn thể thao Việt Nam cầm lá cờ đỏ sao vàng trong lễ khai mạc Seagames 27 là chàng thanh niên vừa tròn 20 tuổi - Hoàng Quý Phước. Tuổi đời còn rất trẻ nhưng không ai có thể xem thường kình ngư người Đà Nẵng bởi Phước chính là VĐV đi vào lịch sử bơi lội Việt Nam khi mang về tấm vé tham dự Olympic đầu tiên và là VĐV đầu tiên giành tới 2 tấm HCV ở Sea Games...
“Michael Phelps” của Việt Nam
Sinh ra trong một gia đình vùng ven biển của TP. Đà Nẵng, Hoàng Quý Phước từ nhỏ xem biển cả là người bạn thân thiết. Lúc còn nhỏ, vì là em út nên chiều nào Phước cũng được các anh chị trong nhà đưa đi tắm biển. Lớn hơn một chút, khi đã có thể tự mình “tung tăng” dưới nước mà không cần sự trông chừng của người lớn thì cũng là lúc “Bảy còi” (biệt danh của Phước) suốt ngày đắm mình với người bạn biển cả.
Nhà Phước cách bãi biển Mỹ Khê chừng 200m, nên chiều nào trên đường từ trường về, chưa kịp cất sách vở Phước đã cùng lũ bạn trong xóm “ùm” ngay xuống biển. “Mê” tắm biển, mê bơi, mê lặn còng đến nỗi quên luôn giờ cơm, chỉ đến khi ngước lên thấy bóng dáng mẹ đang đi ra từ phía bờ biển, trên tay lăm lăm chiếc roi mây, lúc đó cậu bé mới tá hỏa vơ vội đống sách vở, áo quần co giò chạy về nhà. Nhiều lúc, mẹ Phước giận quá, dọa đánh vì cái tội mê bơi, Phước làm bộ hối lỗi, ân hận lắm nhưng rồi được dăm ba bữa, lời hứa trẻ con gửi theo mây gió, y như rằng Phước lại chứng nào tật nấy.
Kình ngư Hoàng Qúy Phước là người đại diện cho Đoàn thể thao Việt Nam cầm lá cờ đỏ sao vàng trong lễ khai mạc Seagame 27 tại Myanmar.
Năm 2004, HLV đội tuyển bơi lặn Đà Nẵng lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Tấn Quảng tình cờ phát hiện ra một “dị nhân” khác thường trong đám trẻ đang lúc nhúc tập bơi. Đứa trẻ cao hơn chúng bạn cả cái đầu, chân tay dài lêu nghêu ngày ấy chính là Phước. Mừng hơn “bắt được vàng”, thầy Quảng tức tốc về tận nhà động viên gia đình đưa Phước đến tập luyện với đội bơi TP. Đà Nẵng và cái nghiệp bơi lội cũng chính thức gắn bó với Phước từ đó.
Mới chỉ 11 tuổi, nhà lại cách cung thể thao Tuyên Sơn hơn 10 cây số nhưng không một buổi tập nào vắng mặt Phước. Sáng học văn hóa chiều tập bơi, chiều học thì sáng lại tập bơi, suốt ngày Phước ngâm mình trong hồ bơi, miệt mài tập luyện. Với một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi mà phải đáp ứng một khối lượng tập luyện như vậy là một thách thức thực sự. Nhưng với ý chí của một cậu bé con nhà nghèo, Phước đều nỗ lực hết sức để hoàn thành mọi giáo án của thầy. Và cũng không phải chờ đợi lâu, ba năm sau cái tên Hoàng Quý Phước được xướng lên bục cao nhất với chiếc HCV giải trẻ Đông Nam Á khi mới 14 tuổi. Một năm sau, Phước giành chức quán quân bơi lội miền Nam hết sức thuyết phục. Và cũng kể từ đó cho tới năm 2011, chiếc HCV hai giải đấu này được “mặc định” luôn cho kình ngư người Đà Nẵng.
Năm 2009, lần đầu tiên góp mặt tại sân chơi Seagames tranh tài với các thế hệ đàn anh trong khu vực nhưng Phước vẫn xuất sắc giành HCĐ, năm đó “rái cá” sông Hàn chỉ mới 16 tuổi. Năm 2010, trở thành năm vàng đối với Phước khi kình ngư người Đà Nẵng giành đến 09 HCV, đồng thời phá 09 kỷ lục quốc gia tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Một năm sau, tại Sea Games 26 ở Indonesia, Phước thi đấu “xuất thần” giành đến 02 chiếc HCV bơi lội. Đặc biệt với thành tích 53’’07 ở cự ly 100m bơi bướm của Phước đã phá sâu kỷ lục Sea Games (53’’82), lẫn kỷ lục quốc gia (53’’56) và đạt chuẩn B tham dự Olympic London 2012. Lần đầu tiên trong lịch sử, bơi lội Việt Nam mới thực hiện được kỳ tích này ở nội dung 100m bướm nam. Chứng kiến những kỳ tích mà Phước liên tiếp giành được trên mọi đấu trường, người hâm mộ cả nước tự hào gọi kình ngư Đà Nẵng là “Michael Phelps của Việt Nam”.
Kình ngư Hoàng Quý Phước.
Phút trải lòng của người mẹ về đứa con đặc biệt
Lúc chúng tôi đến cũng là lúc bà Nguyễn Thị Tại (mẹ của Phước) vừa tất tả về đến nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc. Đã hơn gần ba mươi năm bà gắn bó với cái quầy thịt heo ở góc chợ xép đường Nguyễn Huy Tưởng (P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu). Nhìn bà mồ hôi nhễ nhãi nhưng gương mặt thì vẫn toát lên sự phúc hậu, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Bà thổ lộ: “Cái quầy thịt heo nhỏ như vậy chớ nuôi cả bầy con ăn học đàng hoàng đó chú ạ”.
Nhắc đến cậu con trai út, những ký ức ngày xưa bỗng chốc ùa về trong tâm trí người mẹ già: “Ngày ấy sinh ra, nó chẳng giống như những đứa trẻ khác chút nào, nói theo cách nói dí dỏm của họ hàng lúc ấy nó cứ như... “người dây”. Nhưng rồi bao ánh mắt ngỡ ngàng cũng chỉ dừng lại đó, chứ chẳng ai ngờ được khi lên 15 tuổi, nó lại cao đến 1m78, sải tay dài đến gần 2m, chân và các ngón tay đều dài quá khổ. Kẻ ác miệng thì rỉ tai nhau bảo nó là “dị nhân”, nếu tiếp tục bơi nữa tay chân sẽ dài ra thêm nữa... Nhưng nó chẳng để tâm, mặc kệ người ta nói gì, nó và biển vẫn gắn bó thân thiết với nhau, như thể nó sinh ra đã dành cho biển cả”.
Lúc Phước chỉ mới 15 tuổi, khi đang tập huấn ở Trung Quốc thì em nhận được tin dữ rằng người cha của mình vừa qua đời. Bao mất mát bất ngờ ập lên người Phước cùng một lúc, khiến cả người em đổ gục xuống, ngất lịm đi trong bao đau đớn khi nhìn thấy di ảnh của cha, một người đã dìu dắt, động viên và có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp bơi lội của em.
“Nó chẳng thể nhìn được cha lần cuối, đó là điều khiến nó đau buồn nhất. Tuổi còn nhỏ nhưng mất đi một người thân, dù cứng rắn đến mấy thì cú sốc và nỗi đau ấy vẫn quá lớn để nó có thể vượt qua được”, mẹ Phước tâm sự.
Nhưng Quý Phước không “đóng băng” mãi trong sự tiếc nuối, em tự động viên mình rằng người cha trên trời cũng không muốn mình ủ rủ mãi như thế, em nguyện đem những thành tích của mình gom thành từng nén hương dâng lên cho người cha đã khuất. Bà Tại vẫn còn nhớ như in cái ngày hay tin con trai út của mình đoạt được huy chương Vàng đầu tiên ở kỳ SEA Games 26, lúc đó cả nhà Phước đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc và tự hào.
Bà Tại miên man nhớ lại cảm giác lúc ấy, giọng vẫn còn nghẹn ngào như ngày được tin vui: “Là mẹ mà, nó được như rứa thì còn chi mà bằng, chẳng có hạnh phúc nào hơn nữa. Từ ngày cha nó mất đến bây chừ, tôi cứ nghĩ nó ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, ai nghĩ nó được như hôm nay. Thằng Phước là niềm tự hào của gia đình cũng như cả dòng họ nhà này”.
Khi Phước mang về cho đoàn thể thao Việt Nam tấm huy chương Vàng thứ hai thì cả gia đình Phước lúc đó còn đang mải miết theo những công việc riêng của mình. Mẹ Phước vì lo cho “lu” gạo của cả gia đình còn đang mải buôn thúng bán mẹt bên sạp thịt nhỏ của mình bên cái chợ tạm ở đường Nguyễn Huy Tưởng. Chị Tú, chị gái Phước người luôn theo sát những bước tiến của Phước trên con đường đua xanh còn đang chăm chú việc ở giảng đường.
Chỉ có anh Phú (anh trai của Phước –PV) vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc ấy: “Lúc đó mẹ đi bán thịt nhưng trong bụng thì nóng như lửa. Mấy cậu, mấy dì cũng có công việc riêng nhưng không quên ngóng tin ở truyền hình. Còn mấy anh em mình thì cứ ôm cái điện thoại, lên mạng cập nhật tin tức về Phước. Nhớ rõ nhất là cái nội dụng thi đấu 100m bơi bướm, cả xóm tập trung lại, già cả, lớn bé gì cũng hao háo dõi mắt theo truyền hình để cổ vũ. Ngay cái lúc chạm bờ đầu tiên với số giây nhanh nhất, trên tivi, người ta quay gần cái mặt của thằng Phước, cả xóm ôm lấy nhau hò hét tơi bời, tôi thì chẳng biết như thế nào, chân tay cứ lóng nga lóng ngóng, mừng quá mà không biết làm chi hết”.
Liếc nhìn sang về phía mẹ Phước, bà cũng mỉm cười nhưng đôi mắt bỗng khẽ nhíu lại, lồng ngực cố gồng để nén tiếng thở dài: “Giá mà cha nó còn sống, hồi trước ổng là người thường xuyên chỉ dạy, bảo ban nó từng chút về kinh nghiệm biển nước, chừ mà nghe được tin con mình thành công, chắc ổng sung sướng lắm”.
“Hot boy” của Đoàn thể thao Việt Nam Yêu cầu chung đối với người làm nhiệm vụ cầm cờ cho Ðoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc SEA Games là phải có thành tích tốt, ngoại hình đẹp. Hoàng Quý Phước là người hội đủ những tiêu chuẩn này ở mức cao hơn so với các phương án khác. Hoàng Quý Phước đang là đương kim vô địch SEA Games ở hai nội dung bơi: 100m tự do, 100m bướm, mặt khác Phước cũng được đánh giá là một “hot boy” của làng thể thao Việt Nam. |
Bạch Hưng