Công nhận quốc hoa - một bước đi chiến lược
Trong cuộc tranh luận sôi nổi về việc lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam, đại biểu Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đã đưa ra nhiều lý do thuyết phục về vì sao hoa sen nên trở thành quốc hoa của đất nước. Ông lập luận rằng, hoa sen có nhiều ý nghĩa đặc biệt với văn hóa và lịch sử của dân tộc.
Trước hết, hoa sen là loài hoa gắn liền với các triều đại phong kiến Việt Nam như Lý, Trần,... Nó xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật cổ điển như thơ, họa, kiến trúc. Hoa sen thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam như tinh khiết, cao thượng, bất khuất.
Bên cạnh đó, hoa sen còn là biểu tượng của trí tuệ, sự thanh tịnh và sự tái sinh. Nó mọc lên từ bùn nhưng luôn giữ được vẻ đẹp tinh khôi, vươn lên khỏi bùn nhơ. Điều này thể hiện ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam qua bao thăng trầm của lịch sử.
Đặc biệt, hoa sen giữ một vị trí quan trọng trong Phật giáo - tôn giáo phổ biến ở Việt Nam. Hình ảnh Phật ngồi trên đài sen là biểu tượng quen thuộc và thiêng liêng trong tâm hồn người Việt. Chùa Một Cột, một trong những biểu tượng của Hà Nội, cũng được thiết kế dựa trên hình ảnh một bông hoa sen nở trên mặt hồ.
“Trong thời đại Hồ Chí Minh, hoa sen còn gắn liền với hình ảnh của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Câu thơ: "Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ" đã khắc sâu trong lòng người dân Việt, trở thành biểu tượng cho sự kết nối giữa hoa sen và Bác Hồ”, ông Sơn nêu.
Khi so sánh với các loài hoa khác như mai, đào hay lan, ông Sơn khẳng định hoa sen nổi bật hơn vì "tính đại diện rộng rãi, không bị giới hạn theo vùng miền hay mùa vụ". Hoa sen "gắn liền với đời sống thường nhật và là biểu tượng chung, dễ nhận diện, mang tính thống nhất".
Ngoài ra, hoa sen còn tượng trưng cho "tính dung dị, giản đơn mà đẹp đẽ", phản ánh "tinh thần, tâm hồn và lối sống của người Việt" cũng như "sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên".
“Tôi tin tưởng rằng, với những giá trị đặc trưng, sâu sắc và phổ biến trong đời sống, văn hóa, lịch sử, hoa sen xứng đáng là quốc hoa và trong tâm thức đại đa số người Việt, loài hoa này đã được xem như quốc hoa, biểu trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt”, ông Sơn khẳng định.
Một số ý kiến đề xuất, có thể chọn bộ quốc hoa gồm nhiều loại hoa như sen, đào, mai để thể hiện sự sáng tạo. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lại cho rằng việc chọn riêng một loài hoa duy nhất như sen hồng mang nhiều lợi ích.
"Khi chỉ chọn một loài hoa, như sen hồng làm quốc hoa, biểu tượng này trở nên rõ ràng, đơn giản và dễ nhận diện, giúp củng cố hình ảnh quốc gia một cách mạnh mẽ hơn và không gây nhầm lẫn", vị đại biểu chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc chọn một loại hoa duy nhất có thể tạo ra sự tập trung và thống nhất trong lòng cộng đồng quốc gia. Một biểu tượng chung duy nhất giúp mọi người dễ dàng nhận diện và gắn kết hơn, từ đó tăng cường cảm giác đoàn kết và tự hào dân tộc.
Theo đại biểu, một biểu tượng đơn nhất như sen hồng sẽ giúp đơn giản hóa các chiến dịch truyền thông và quảng bá ra quốc tế. Điều này sẽ dễ dàng hơn trong việc truyền đạt và nhận diện định dạng thương hiệu quốc gia, góp phần tăng cường hình ảnh và uy tín của Việt Nam trên thế giới.
Ông Sơn nói: "Chọn một loài hoa duy nhất như sen hồng làm quốc hoa có thể mang lại nhiều lợi ích, tạo sự rõ ràng và hiệu quả trong việc truyền bá hình ảnh, giá trị văn hóa của Việt Nam".
Cần sự đồng thuận từ nhiều phía
Tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nêu ra những khó khăn liên quan đến khoảng trống pháp lý về thẩm quyền công nhận quốc hoa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhìn nhận việc lựa chọn hoa sen trở thành quốc hoa của Việt Nam sẽ gặp khó khăn nhất định.
Theo ông, dù hoa sen đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi, nhưng việc công nhận chính thức vẫn cần được thảo luận và cân nhắc kỹ càng hơn.
"Đề xuất sen hồng là quốc hoa phải được thảo luận tại nhiều cấp độ, từ các cơ quan chuyên trách đến các ủy ban của Quốc hội. Đây là quy trình phê duyệt và các cuộc thảo luận có thể kéo dài do cần sự đồng thuận từ nhiều phía", ông Sơn nhấn mạnh.
Theo ông Sơn, các cơ quan chức năng cần phải tổ chức các cuộc khảo sát và lấy ý kiến từ cộng đồng để đảm bảo sen hồng là lựa chọn phù hợp và có được sự đồng thuận cao.
Cùng với đó, cần có các nghiên cứu đánh giá tác động xã hội của việc chọn một biểu tượng chính thức như vậy, đảm bảo không ảnh hưởng tiêu cực tới quyền lợi của các nhóm xã hội khác.
Để hoàn thiện đề án và làm rõ tính hợp lý của việc chọn hoa sen, ông Sơn đề xuất cần tổ chức các hội thảo, nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia tham gia.
Đồng thời, cần xây dựng và thông qua một luật hoặc nghị định. Quy trình này yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều cơ quan từ cấp trung ương đến địa phương.